Ngoại trưởng Ác-hen-ti-na Ếch-to Ti-mơ-men (Héctor Timerman) ngày 15-3 cho biết, nước này sẽ đưa ra các biện pháp “hành chính, dân sự và hình sự” đối với các công ty của Anh được Luân Đôn cấp “giấy phép bất hợp pháp” thăm dò dầu khí tại quần đảo Man-vi-nát (phía Anh gọi là Phoóc-len) tranh chấp giữa hai nước.
Bộ trưởng Ti-mơ-men nhấn mạnh biện pháp trên, được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Cri-xti-na Phéc-nan-đết (Cristina Fernández), cũng sẽ được áp dụng đối với các công ty hỗ trợ về tài chính và dịch vụ hậu cần cho hoạt động tìm kiếm dầu khí đơn phương đó. Theo đó, Bộ Ngoại giao Ác-hen-ti-na đã thành lập một nhóm các chuyên gia pháp lý để tiến hành việc kiện các công ty trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia tìm kiếm dầu khí tại Man-vi-nát tại tòa án trong nước hoặc quốc tế.
Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Ác-hen-ti-na, hiện tại các công ty dầu khí Falkland Oil & Gas, Argos Petroleum, Rockhopper, Desire Petroleum và Borders & Southern Petroleum đang hoạt động tại quần đảo Man-vi-nát với giấy phép "bất hợp pháp" do Luân Đôn cấp bởi khu vực này vẫn đang diễn ra tranh chấp. Ngoài ra, còn có 7 công ty hỗ trợ hậu cần và nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho hoạt động thăm dò dầu khí tại quần đảo tranh chấp, trong đó có các ngân hàng, các công ty tư vấn, môi giới chứng khoán, kiểm toán, các nhà phân tích rủi ro đầu tư. Ngoại trưởng Ti-mơ-men cho biết, Ác-hen-ti-na sẽ thông báo cho các công ty có liên quan tới việc thăm dò dầu khí tại Nam Đại Tây Dương để họ tôn trọng nghị quyết của Liên hợp quốc yêu cầu Anh đàm phán với Ác-hen-ti-na về chủ quyền quần đảo trên. Cũng nằm trong chiến lược ép Anh ngồi vào đàm phán về chủ quyền Man-vi-nát, đầu tháng này, Tổng thống Ác-hen-ti-na đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Ti-mơ-men thương lượng lại với Anh về nội dung thỏa thuận giữa hai nước liên quan hoạt động hàng không tới quần đảo Man-vi-nát.
Người dân Ác-hen-ti-na bày tỏ sự phản đối việc Anh chiếm quần đảo Man-vi-nát trước Đại sứ quán Anh ở Bu-ê-nốt Ai-rết. Ảnh: AFP |
Cùng ngày, Nhật báo Phố Uôn đưa tin, Bộ Ngoại giao Anh đã lên tiếng cảnh báo việc Ác-hen-ti-na đe dọa có hành động pháp lý đối với các công ty Anh tham gia khai thác dầu mỏ tại quần đảo tranh chấp sẽ "hoàn toàn phản tác dụng". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết, Luân Đôn đang nghiên cứu kỹ lưỡng mọi động thái của Ác-hen-ti-na và sẽ hợp tác chặt chẽ với các công ty có khả năng bị ảnh hưởng để bảo đảm hạn chế tối thiểu các tác động đối với họ. “Chính phủ Anh ủng hộ quyền của người dân trên quần đảo tranh chấp được khai thác nguồn tài nguyên của mình và Luân Đôn giữ vững quan điểm luật pháp của Ác-hen-ti-na không được phép áp dụng đối với quần đảo Phoóc-len (Man-vi-nát)”, ông này cho biết.
Căng thẳng ngày càng leo thang giữa Anh và Ác-hen-ti-na xung quanh quần đảo Man-vi-nát. Trước đó, Chính phủ Ác-hen-ti-na kêu gọi các doanh nghiệp nước này tẩy chay nhập hàng hóa của Anh và cấm tàu du lịch mang cờ Phoóc-len cập cảng, khiến cho tranh cãi xung quanh quần đảo này tiếp tục “nổi sóng”. Những động thái trên diễn ra trước thềm kỷ niệm 30 năm ngày nổ ra cuộc đụng độ quân sự ác liệt giữa hai nước liên quan tới quần đảo này.
Với tổng diện tích vùng biển bao quanh có khả năng khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2, Man-vi-nát được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng dầu khí khổng lồ. Cách đây gần 30 năm, ngày 2-4-1982, chính quyền Ác-hen-ti-na từng cho quân đổ bộ lên Man-vi-nát để lấy lại quần đảo bị Anh chiếm giữ từ năm 1833, song đã thất bại sau cuộc chiến kéo dài 74 ngày. Năm 1995, hai nước đã ký Tuyên bố chung về hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Man-vi-nát, song Ác-hen-ti-na đã quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bản này vào năm 2007 do Anh đơn phương tổ chức đấu thầu thăm dò và khai thác dầu khí ở đây. Đến nay, Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, tuy nhiên, phía Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo này.
Theo: qdnd.vn