* Cộng đồng quốc tế hoan nghênh
Triều Tiên ngày 29-2 đã thông báo tạm dừng các thử nghiệm hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa và hoạt động làm giàu u-ra-ni tại cơ sở Dông-piên. Bình Nhưỡng cũng cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát việc tạm dừng làm giàu u-ra-ni trong thời gian diễn ra các cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Đây được cho là tín hiệu tích cực mới nhất mở ra một chương mới trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un (giữa) đi thị sát một điểm ở biên giới tây nam đất nước. Ảnh: AFP |
Mỹ đã ngay lập tức có phản ứng về sự kiện này. Trong một thông cáo, người phát ngôn Nhà Trắng Vích-to-ri-a Nu-lan (Victoria Nuland) cho biết, chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng và sẽ thúc đẩy kế hoạch chuyển 240.000 tấn lương thực viện trợ mỗi năm cho Triều Tiên. Hàn Quốc cũng hoan nghênh, đồng thời bày tỏ hy vọng việc thực hiện tuyên bố nói trên của Bình Nhưỡng sẽ đặt nền tảng cho việc giải quyết toàn diện và cơ bản vấn đề hạt nhân.
Dư luận thế giới đã có những đánh giá tích cực ngay sau tuyên bố của Triều Tiên. Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) bày tỏ hy vọng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện cam kết của mình nhằm hướng tới "một tiến trình phi hạt nhân hóa đáng tin cậy trên bán đảo Triều Tiên". Theo ông Ban Ki Mun, cả Mỹ và Triều Tiên cần tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực đàm phán nhằm giải quyết hòa bình những vấn đề còn vướng mắc. Trong khi đó, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Y.A-ma-nô (Y.Amano) nói rằng, IAEA "sẵn sàng trở lại" cơ sở hạt nhân Dông-piên của Triều Tiên để giám sát việc ngừng các hoạt động hạt nhân.
Nga và Trung Quốc đã hoan nghênh động thái mới này của Triều Tiên. Trong một tuyên bố ra ngày 1-3, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Triều Tiên tạm ngừng các thử nghiệm hạt nhân và hoạt động làm giàu u-ra-ni”. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Mát-xcơ-va sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước tham gia đàm phán sáu bên (gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga) nhằm bảo đảm một tiến trình phi hạt nhân hoàn toàn và không thể đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc thông báo rằng, Bắc Kinh sẽ làm việc để tái khởi động các cuộc đàm phán này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nêu rõ: "Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực với các bên quan liên quan khác để tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán sáu bên, đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Côi-chi-rô Ghêm-ba (Koichiro Gemba) khẳng định, việc Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân là "một bước đi quan trọng". Ông Ghêm-ba hy vọng Triều Tiên sẽ có "hành động cụ thể" nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Theo các nhà phân tích, việc thực hiện các bước đi tiếp theo của động thái mới này không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào phía Triều Tiên mà còn phụ thuộc vào tất cả các bên liên quan. Đơn giản là vì, việc dừng các chương trình hạt nhân của Triều Tiên bao giờ cũng đi kèm với các điều kiện mà một trong những điều kiện cụ thể ở đây là đánh đổi lấy 240.000 tấn gạo viện trợ nhân đạo từ phía Mỹ. 240.000 tấn gạo không phải là vấn đề kinh tế lớn, song điều quan trọng là để tạo dựng lòng tin.
Rõ ràng, Mỹ và Triều Tiên đang thể hiện mong muốn khai thông bế tắc hạt nhân. Việc mở lại các vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên nhiều khả năng sẽ nhanh chóng được nối lại sau các động thái tích cực này. Tuy nhiên, trở lại bàn đàm phán sáu bên mới chỉ là bước đi tiên quyết, song điều quan trọng hơn là phải khỏa lấp được hố sâu nghi kỵ giữa Oa-sinh-tơn và Bình Nhưỡng.
Theo: qdnd.vn