Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử quốc hội I-ran khóa mới được công bố hôm 5-3 cho thấy, Đại giáo chủ A-li Kha-mê-ni (Ali Khamenei) đang giành ưu thế vượt trội trước đương kim Tổng thống Ma-mút A-ma-đi-nê-giát (Mahmoud Ahmadinejad). Kết quả trên dự báo tương lai đầy khó khăn đối với ông A-ma-đi-nê-giát trong thời gian 18 tháng cầm quyền còn lại của nhiệm kỳ này.
Đại giáo chủ Kha-mê-ni (bên phải) đã nhận được đa số ủng hộ tại cuộc bầu cử quốc hội vừa qua. Ảnh: Roi-tơ |
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên tại I-ran kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống căng thẳng năm 2009, gây bùng phát làn sóng biểu tình bạo lực và gây nhiều thương vong. Vì vậy, cuộc bầu cử quốc hội lần này được coi là “phép thử” mức độ ủng hộ của người dân I-ran đối với Tổng thống A-ma-đi-nê-giát và chứng minh mức độ ảnh hưởng của ông trong lựa chọn ứng viên kế nhiệm chức tổng thống I-ran vào năm tới. Ngoài ra, cuộc bầu cử còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới các “kẻ thù” bên ngoài của I-ran.
Cuộc bầu cử quốc hội năm nay thu hút hơn 3.400 ứng cử viên tranh cử vào 290 ghế quốc hội, ít hơn nhiều so với cuộc bầu cử quốc hội lần trước, với khoảng 4.500 ứng cử viên. Tuy nhiên, cuộc bầu cử chủ yếu chỉ là cuộc đua “tay đôi” giữa Mặt trận Phản kháng ủng hộ ông A-ma-đi-nê-giát và Mặt trận Thống nhất hậu thuẫn Đại giáo chủ Kha-mê-ni.
Kết quả sơ bộ công bố ngày 5-3 cho thấy, có tới 2/3 trong số 216 người được xác định đã trúng cử ủng hộ cho Đại giáo chủ Kha-mê-ni. Đây là kết quả được dự báo trước đối với đương kim Tổng thống A-ma-đi-nê-giát. Bởi trước cuộc bầu cử, Hội đồng Vệ binh, vốn có trách nhiệm phê chuẩn các ứng cử viên đăng ký tham gia tranh cử, đã loại bỏ hàng loạt đồng minh của tổng thống. Nguyên nhân dẫn đến uy tín của ông A-ma-đi-nê-giát bị giảm sút là do tình hình kinh tế trong nước ảm đạm, lạm phát tăng cao do đồng ri-an mất giá nghiêm trọng cùng với các biện pháp cắt giảm trợ giá nhiên liệu… Trong khi đó, I-ran liên tiếp phải hứng chịu các chính sách cấm vận kinh tế, thương mại, đầu tư của Mỹ và châu Âu nhằm trừng phạt Tê-hê-ran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Vị thế lung lay của ông A-ma-đi-nê-giát còn được thể hiện rõ nét qua thất bại của người em gái Pác-vin A-ma-đi-nê-giát (Parvin Ahmadinejad) ngay tại “sân nhà” Gam-xa, thành phố nằm cách thủ đô Tê-hê-ran khoảng 80km về phía Đông Nam.
Ngoài ra, tuy là người được nhà lãnh đạo tối cao Kha-mê-ni hậu thuẫn trong cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi tạo ra làn sóng biểu tình đẫm máu năm 2009, nhưng ông A-ma-đi-nê-giát bị cho là có nhiều động thái hạn chế tầm ảnh hưởng của vị đại giáo chủ này trong các quyết sách quan trọng của chính phủ như ngoại giao, tình báo. Chính vì thế mà giờ đây ông A-ma-đi-nê-giát đang chuẩn bị phải “trình diện” trước Quốc hội trong tuần này để trả lời chất vấn về những vấn đề kinh tế và nhiều quyết sách quan trọng khác của chính phủ. Ông là vị tổng thống đầu tiên bị Quốc hội I-ran “triệu tập” kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Sự thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 2-3 sẽ khiến ông A-ma-đi-nê-giát, người không thể tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ tổng thống lần ba theo luật định, gặp nhiều khó khăn trong 18 tháng cầm quyền còn lại. Không chỉ chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu khiến nền kinh tế I-ran không phát triển được, ông A-ma-đi-nê-giát còn đối mặt với sức ép từ trong chính nội bộ của Mặt trận Phản kháng khi ông để mất nhiều ghế trong cuộc bầu cử ngày 2-3 vừa qua, gây khó khăn cho chính đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2013.
Tuy nhiên, chiến thắng thuộc về phe nào cũng không làm thay đổi các chính sách lớn của I-ran, đặc biệt liên quan đến chương trình hạt nhân, bởi cả hai đối thủ đều theo đuổi đường lối cứng rắn trong vấn đề này. Đại giáo chủ Kha-mê-ni từng tuyên bố rằng, các hoạt động hạt nhân của I-ran đang bước vào “giai đoạn nhạy cảm” và điều này càng buộc Tê-hê-ran phải mạnh mẽ hơn trước sức ép của Mỹ và I-xra-en. Đó là điều mà giới chức phương Tây không hề mong muốn và sẽ là nhân tố khiến căng thẳng xung quanh cuộc khủng hoảng ở nước này không thể lắng dịu.
Theo: qdnd.vn