Nhật Bản hồi sinh sau thảm họa kép

08:03, 10/03/2012

Những thước phim lịch sử về thảm họa kép: động đất và sóng thần ngày 11-3-2011 tại Nhật Bản cùng công cuộc tái thiết tại các khu vực chịu thảm họa trong một năm qua đã được tái hiện trong buổi trình chiếu DVD và thuyết trình: “Một kí ức về trận đại địa chấn miền Đông Nhật Bản ngày 11-3” tổ chức sáng 10-3 tại Hà Nội.

Công cuộc tái thiết không ngừng nghỉ

Cơn địa chấn mạnh 9 độ richter xảy ra tại bờ biển Thái Bình Dương ngày 11-3-2011 đã làm rung chuyển vùng Đông Bắc Nhật Bản. Trận động đất lớn thứ 4 thế giới trong hai thế kỷ 20 và 21 đã gây nên trận sóng thần kinh hoàng cướp đi sinh mạng sống của 15.854 người, làm bị thương 6.023 người và khiến cho 3.276 người bị mất tích (theo thống kê ngày 2-3-2012 của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản).

Giáo sư Toru Takanarita tại buổi thuyết trình

Sau một năm thảm họa, quá trình tái thiết tại miền Đông Bắc Nhật Bản đang diễn ra mạnh mẽ với sự cố gắng của nhân dân địa phương và sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế.

Theo Giáo sư Toru Takanarita, trường Đại học Sendai, các mục tiêu chính trong công cuộc khôi phục, tái thiết bao gồm: tái xây dựng nhà ở, nhà máy; tái tuyển dụng; tái xây dựng các ngành nông, ngư nghiệp; xây dựng các nền tảng xã hội; tái xây dựng kinh tế vùng; tái cải tạo Nhật Bản.

Sau thảm họa, rất nhiều người dân Nhật Bản mất nhà, hoặc nhà bị hư hại nặng. Hiện tại, Chính phủ Nhật đã xây dựng 18.000 khu nhà ở phục vụ nhân dân, khu nhà ở tư nhân có 66.000 và khu nhà ở tạm thời là 52.000. Những con số này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và người dân Đông Bắc trong việc tái thiết. Tuy nhiên, những người già và người khuyết tật vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi sống trong các khu nhà ở tạm thời.

Sự không cân bằng giữa những người cần việc và những công việc cần người trong tuyển dụng đang gây cản trở cho việc tái tuyển dụng tại khu vực hứng chịu thảm họa. Chính phủ đã thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho những người bị mất việc do thảm họa nhằm ngăn chặn sự chán nản gây ra các tệ nạn trong xã hội. 

Người dân vùng Đông Bắc Nhật Bản, nơi gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất từ thảm họa kép chủ yếu sống bằng nghề nông và ngư nghiệp. Sau thảm họa, đất nông nghiệp ven biển bị ngập và nhiễm phóng xạ. Những lời đồn thổi về phóng xạ đã khiến ngành nông nghiệp khu vực này bị thiệt hại nghiêm trọng. 90% trong tổng số 20.000 thuyền tại Sanriku bị hư hỏng. Hầu hết các cảng đánh cá tại địa điểm này bị phá hủy gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chế biến thủy sản.

Giáo sư Toru Takanarita cho biết: “Để khắc phục hậu quả về nông, ngư nghiệp, người dân đã tiến hành đa dạng hóa sản phẩm, giảm giá thành, và nâng cao giá trị của sản phẩm”.

Như vậy, một năm sau khi thảm họa kép phá hủy khu vực Đông Bắc, người dân Nhật Bản đang từng ngày gây dựng lại cuộc sống với những bước phát triển mạnh mẽ. “Nhịp sống vốn có đang quay trở về với từng người dân nơi đây”, ông Suzuki Hideo, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định.

Tinh thần tương thân tương ái của bạn bè quốc tế

Trong suốt quá trình tái thiết vùng sau thảm họa, nhân dân vùng Đông Bắc Nhật Bản đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè quốc tế, trong có Việt Nam. Nhân dân Nhật đã nhận được từ Việt Nam 12.000 áo khoác, đồ lót người lớn; 4.500 đồ lót bé gái; 30.000 khăn tắm; 30.000 đôi đũa bẻ; 30.000 đôi tất.

Các nhân viên cứu hộ ở Yamamoto, Miyagi đang tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Reuters
Các nhân viên cứu hộ ở Yamamoto, Miyagi đang tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Reuters

Trong DVD “Ký ức về trận địa chấn miền Đông Nhật Bản – Lòng biết ơn đến tình hữu nghị của thế giới”, một người dân Nhật Bản đã xúc động thể hiện lòng biết ơn tới sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế: “Mọi người ở nhiều nước khác nhau đều ở đây để giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi thực sự cảm kích, chúng tôi và cả thế hệ sau này nữa nhất định sẽ trả ơn họ”.

Những người tình nguyện đã tham gia khai thông cống rãnh, sửa lại những ngôi nhà bị hư hỏng, xây dựng các khu nhà tạm. Các đoàn y tế từ các quốc gia khác nhau như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp… được phái đến khẩn cấp để khắc phục hậu quả của thảm họa. Các tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức phi chính phủ đóng vai trò chủ chốt trong việc chăm sóc các nạn nhân. Hội chữ thập đỏ Nhật Bản cũng nhận được 4 tỷ USD tiền quyên góp. “Bất chấp rào cản về tôn giáo, sắc tộc và tuổi tác, chúng tôi đang chống lại thảm họa này cùng nhau. Tôi có thể đã mất tất cả sau thảm họa này, nhưng cùng lúc đó tôi lại nghĩ rằng, trận thảm họa này đã cho tôi biết được sự quý giá của cuộc sống và tôi cảm kích về điều đó”, ông Yoshiaki Shoji, Văn phòng kế toán Shoji chia sẻ.

Dù đã đạt được những bước tiến kinh ngạc trong việc dọn dẹp đống đổ nát nhưng hiện nay Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức để hoàn thành công cuộc tái thiết. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin tưởng rằng với truyền thống kiên cường, tinh thần thép cùng sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, người dân Nhật Bản sẽ vượt qua nỗi đau thảm họa và xây dựng một tương lai tươi sáng.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com