Trước những lo ngại về khả năng I-xra-en sẽ tấn công quân sự I-ran, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma lần đầu tiên đã lên tiếng cho biết, sẽ đề nghị Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu tạm trì hoãn mọi kế hoạch tấn công nước láng giềng I-ran.
Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu (bên trái) và Tổng thống Ô-ba-ma. Ảnh: Internet |
Trước đó, các nhà lãnh đạo I-xra-en tuyên bố cứng rắn rằng, họ “không cần phải báo trước cho Mỹ về một cuộc tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của I-ran”. Thông điệp này đã được Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu và Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en Ê-hút Ba-rắc chuyển tới một loạt các quan chức cấp cao của Mỹ đã tới nước này trong thời gian qua để bàn về biện pháp đối phó với vấn đề hạt nhân I-ran.
Trong phát biểu của mình trên Tạp chí “The Atlantic” ngày 2-3, Tổng thống Ô-ba-ma cho biết, lý do ông khuyên I-xra-en nên tạm hoãn kế hoạch tấn công I-ran là “hãy chờ thêm một thời gian” với hy vọng các lệnh trừng phạt kinh tế hiện đang áp đặt chống I-ran sẽ khiến nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân. Ông Ô-ba-ma khẳng định mọi phương án đối với I-ran “đã sẵn sàng”, song giải pháp quân sự là sau cùng. Tổng thống Mỹ nói, ông rất nghiêm túc về một hành động quân sự chống I-ran nếu nước này chế tạo vũ khí hạt nhân. “Là tổng thống của Mỹ, tôi không đe dọa suông và cũng không được phép có quan điểm mập mờ. Tôi sẽ xem xét mọi giải pháp liên quan đến I-ran, kể cả việc phải sử dụng sức mạnh quân sự”, ông Ô-ba-ma nêu rõ. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Ô-ba-ma đề cập trực diện tới phương án quân sự đối với I-ran, cho dù Oa-sinh-tơn luôn cảnh báo đồng minh I-xra-en về một ý đồ tương tự. Theo ông Ô-ba-ma, cả Chính phủ I-xra-en và Chính phủ I-ran đều hiểu rằng, nước Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một nước I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông Ô-ba-ma đưa ra những phát biểu đáng chú ý trên trong bối cảnh báo chí Mỹ thời gian gần đây, liên tục cảnh báo về những hậu quả khôn lường, nhất là đối với Mỹ, nếu xảy ra cuộc tấn công quân sự của Mỹ hoặc I-xra-en vào các mục tiêu của I-ran. Trong đó đáng chú ý là những cảnh báo về hậu quả sẽ khiến giá dầu leo thang, góp phần làm chậm đà hồi phục của kinh tế Mỹ. Tấn công I-ran sẽ khiến quốc gia Hồi giáo bị dồn vào chân tường và có thể sẽ có những hành động trả đũa nhằm vào các mục tiêu và lợi ích của Mỹ cùng các đồng minh ở khu vực Trung Đông.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu trước báo chí nhân chuyến thăm Ca-na-đa, ngày 2-3, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu cảnh báo sẽ không đặt ra “các giới hạn đỏ” cho hành động quân sự của nước này đối với I-ran. Ông khẳng định, muốn bảo lưu quyền tự do hành động của Nhà nước Do Thái trong vấn đề này. Thủ tướng I-xra-en đến Ca-na-đa trước khi có các cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ vào ngày 4-3 với nội dung dự kiến tập trung vào việc ngăn chặn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran. Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với Thủ tướng Ca-na-đa Xtê-phen Ha-pơ, ông Nê-ta-ni-a-hu đã nêu các yêu cầu của I-xra-en đối với I-ran: Gồm dỡ bỏ cơ sở hạt nhân dưới lòng đất ở Côm, ngừng làm giàu u-ra-ni và từ bỏ tất cả số nguyên liệu đã được làm giàu vượt quá lượng cần thiết để cho phép Tê-hê-ran sản xuất đồng vị y tế hay điện hạt nhân.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ A-li Ba-ba-can ngày 2-3 đã lên tiếng phản đối mọi hành động can thiệp quân sự nhằm buộc I-ran phải chấm dứt chương trình hạt nhân gây tranh cãi, đồng thời nhấn mạnh cần chú trọng các giải pháp ngoại giao và hợp tác để giải quyết vấn đề./.
Theo: qdnd.vn