Thủ đô Xơ-un của Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân diễn ra tại Xơ-un vào ngày 26 và 27-3 tới, trong khi căng thẳng ngày càng gia tăng sau tuyên bố của Triều Tiên về việc sắp phóng tên lửa mang vệ tinh. Dư luận cho rằng, kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên sẽ phủ bóng xuống Hội nghị có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma và các nhà lãnh đạo thế giới khác.
AFP ngày 19-3 dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Giun Uôn Sích (Yoon Won-shik) cho biết: "Hàn Quốc sẽ bảo vệ nghiêm ngặt để đối phó với bất cứ hành động khiêu khích quân sự tiềm tàng hay một vụ thử hạt nhân nào, vì Triều Tiên nhiều khả năng có thể lặp lại hành động như hồi năm 2009, khi nước này bắn thử tên lửa sau khi thử hạt nhân lần hai". Theo ông Giun, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tăng cường giám sát các khu vực quanh Tongchang-ri, bãi phóng tên lửa mới của Triều Tiên ở phía tây nước này. Các tàu chiến của Mỹ và Hàn Quốc được trang bị công nghệ Aegis, có thể theo dõi bất cứ cuộc phóng tên lửa nào. Tình trạng báo động phòng vệ cao trước hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân toàn cầu sẽ được duy trì tại Xơ-un cho tới sau thời điểm mà Triều Tiên dự kiến phóng tên lửa mang vệ tinh.
Binh sĩ Hàn Quốc tại buổi lễ khởi động lệnh bảo vệ an ninh Thủ đô trước Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân sắp diễn ra tại Xơ-un. Ảnh: Roi-tơ. |
Triều Tiên cho hay, nước này đã thông báo với các tổ chức hàng hải và hàng không quốc tế về đường bay của tên lửa trong vụ phóng vệ tinh tháng sau. Bình Nhưỡng cũng khẳng định, lần phóng tên lửa này không ảnh hưởng gì tới các nước láng giềng. Tầng thứ nhất của tên lửa dự kiến sẽ rơi ở vị trí cách bờ biển Hàn Quốc khoảng 140km, tức là trong vùng biển quốc tế giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Tầng thứ hai của tên lửa sẽ rơi xuống vùng biển cách Phi-líp-pin khoảng 190km về phía đông.
Trong một diễn biến khác, ngày 19-3, Xơ-un đã cáo buộc Bình Nhưỡng đang tìm cách phát triển một loại tên lửa hạt nhân thông qua vụ phóng vệ tinh vào tháng tới. "Chính phủ chúng tôi coi kế hoạch được gọi là phóng vệ tinh của Triều Tiên là một sự khiêu khích nghiêm trọng, nhằm phát triển một phương tiện vận chuyển tầm xa cho vũ khí hạt nhân bằng cách sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo", AFP dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, Pắc Chông Ha (Park Jeong-ha) nói.
Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc (Lee Myung-bak) cùng ngày đã họp các Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Hàn Quốc để bàn về tuyên bố phóng vệ tinh của Triều Tiên. Ông Li tuyên bố, Hàn Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, các bên trong vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, để làm việc về vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân ở Xơ-un.
Triều Tiên hôm 16-3 tuyên bố sẽ phóng một tên lửa tầm xa vào khoảng 12 tới 16-4, để đưa vệ tinh quan sát có tên Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo Trái đất nhằm phục vụ mục đích hòa bình. Vụ phóng vệ tinh này có thời điểm trùng với dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, Mỹ và các nước khác coi đây là một cuộc diễn tập bắn thử tên lửa tầm xa, tức là vi phạm lệnh cấm của LHQ cũng như thỏa thuận dừng chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng cùng Oa-sinh-tơn thông qua gần đây.
Triều Tiên hôm 18-3 đã lên tiếng bác bỏ những phản ứng của cộng đồng quốc tế, gọi những chỉ trích đó là "một động thái dạo đầu cho việc xâm phạm độc lập chủ quyền". Triều Tiên khẳng định, hai vụ phóng thử vệ tinh nhân tạo trước đây của Bình Nhưỡng tuân thủ chặt chẽ các quy định và thông lệ quốc tế liên quan. Ủy ban Công nghệ vũ trụ Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ mời các chuyên gia về khoa học và công nghệ vũ trụ từ nước ngoài cùng các nhà báo giám sát vụ phóng vệ tinh.
Ngày 18-3, Oa-sinh-tơn đã cảnh báo chính phủ Mỹ sẽ xem xét lại kế hoạch viện trợ lương thực nếu Triều Tiên không hủy ý định phóng vệ tinh nhân tạo vào tháng tới. Trong một diễn biến khác, tờ Sankei của Nhật Bản trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật N.Ta-na-ca (N.Tanaka) cho hay Lực lượng phòng vệ nước này có thể bắn rơi vệ tinh của Triều Tiên nếu cảm thấy cần thiết.
Theo: qdnd.vn