Gieo hạt giống tình yêu Việt Nam

03:03, 15/03/2012

Đưa những học sinh của nước Mỹ sang Việt Nam, dạy các em học tiếng Việt và lịch sử, văn hóa Việt, sinh hoạt trong những gia đình thuần Việt là một trong những nét chính của chương trình School year abroad (có nghĩa là: Niên học ở nước ngoài) tại Việt Nam (SYA).

Giáo sư Vũ Đức Vượng - Giám đốc của chương trình trong hai niên học 2010-2011 và 2011-2012 là một Việt kiều Mỹ. Ông đã và đang là cầu nối giúp Việt kiều cũng như người Mỹ nói chung hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam hôm nay.

GS. Vũ Đức Vượng quê gốc ở Nam Định, sau đó theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Năm 18 tuổi, ông nhận được học bổng du học ở Mỹ, trường Đại học Washington University in St.Louis, bang Missouri. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Vượng định cư ở Mỹ và trải qua nhiều công việc khác nhau như Giám đốc khu vực Pacific Mountain Region của Ủy ban Dịch vụ Những người bạn Hoa Kỳ (AFSC); làm lãnh đạo Trung tâm Tái định cư dành cho người tị nạn Đông Nam Á tại San Francisco...

Được đào tạo về chính trị, công tác xã hội và luật, GS. Vũ Đức Vượng chủ yếu làm việc trong lĩnh vực tổ chức cộng đồng. Trong điều kiện của mình, ông luôn cố gắng giúp đỡ những người Việt xa xứ khi họ gặp khó khăn trong rào cản về ngôn ngữ, giúp họ tìm việc và ổn định cuộc sống trong những ngày đầu mới sang Mỹ cũng như góp phần khuyến khích người Mỹ bỏ cấm vận để bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.

GS. Vũ Đức Vượng (ngoài cùng bên phải) cùng các sinh viên Mỹ tại Hà Nội. Ảnh: Internet
GS. Vũ Đức Vượng (ngoài cùng bên phải)
cùng các sinh viên Mỹ tại Hà Nội. Ảnh: Internet

Sau đó, GS. Vũ Đức Vượng chuyển sang dạy học cho một số trường đại học của Mỹ (khoảng 15 năm). Đến khi SYA mở chương trình tại Việt Nam đã mời GS. Vũ Đức Vượng làm Giám đốc. Ngoài làm công tác quản lý, GS. Vượng cũng đảm nhận việc giảng dạy môn lịch sử và văn hóa Việt Nam. Hiện sách giáo khoa bằng tiếng Anh về lĩnh vực này rất ít nên GS. Vượng muốn tự mình truyền cho các em các kiến thức về Việt Nam, giúp các em hiểu nhiều hơn về Việt Nam. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề nền văn hóa Việt Nam đã có từ rất lâu, trước khi người Tàu đến Việt Nam (nền văn hóa Văn Lang của Việt Nam đã có trên 4.000 năm lịch sử). Động Người Xưa trong Rừng quốc gia Cúc Phương còn mang dấu tích tiền nhân ta đã sống ở đấy từ 7.500 năm trước. Điểm nổi bật nữa của nền văn hóa Việt Nam là văn hóa truyền khẩu, tức là được hình thành qua con đường truyền miệng, trong đó Hát Xoan là di sản văn hóa truyền khẩu tiêu biểu vừa được UNESCO vinh danh năm 2011. Kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ phong phú của nước ta cũng được hình thành và gìn giữ qua con đường truyền khẩu, mãi đến sau này có chữ viết mới bắt đầu ghi chép lại...

Phương pháp học tập mà SYA áp dụng là: vừa học vừa thực tập, lý thuyết đan xen với thực tế nên các học viên cảm thấy rất thú vị. Chẳng hạn, GS. Vũ Đức Vượng có mời nhà văn hóa Hữu Ngọc đến để nói chuyện về lịch sử và văn hóa Việt Nam cho các học viên SYA có một góc tiếp cận khác. Khi dạy về âm nhạc Việt Nam, GS. Vượng mời ca sĩ Ái Vân đến dạy các em hát những làn điệu dân ca nổi tiếng của dân tộc Việt...

Không chỉ thu hút con em gia đình người Mỹ gốc Việt, SYA tại Việt Nam còn được nhiều bạn trẻ người Mỹ quan tâm bởi khác với các chương trình SYA tại các quốc gia khác, học viên ngoài thời gian học chính khóa còn được đi thực tập ở một cơ quan, văn phòng hội. Tùy sở thích của các em và việc liên hệ với các cơ quan để nhận được sự đồng ý tiếp nhận, mỗi tuần, vào các buổi chiều thứ 3 và thứ 5, học viên sẽ đến làm việc chung với các nhân viên ở cơ quan đó như một thực tập sinh để làm quen, học hỏi cách làm việc của họ. Đến nay, các học viên của SYA ở Việt Nam đã có được những trải nghiệm mới mẻ ở NXB Thế giới, VTC10, Làng Hòa Bình ở Hà Nội, các nhà thương thú y, tuần san Vietnam Economic News, Maison des Arts...

Đồng hành cùng các học viên của SYA trong các chuyến đi thực tế đến các vùng đất, địa danh khác nhau của Tổ quốc như Lào Cai, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, Tây Nguyên, Cà Mau... GS. Vũ Đức Vượng nhận thấy các học viên của mình rất quan tâm và yêu thích đến các danh lam thắng cảnh đặc sắc của Việt Nam, say mê với ẩm thực phong phú ba miền... Ông cũng là người hướng dẫn các học viên cách bắt chuyện, làm quen với người dân địa phương bằng tiếng Việt để vừa trau dồi khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, vừa hòa mình vào đời sống của người dân bản địa, hiểu hơn về mỗi vùng đất đã đi qua. Mỗi chuyến đi thực tế như vậy thực sự là một trải nghiệm mới mẻ, đầy thích thú, qua đó giúp những bạn trẻ trưởng thành và yêu mến Việt Nam hơn.

Là một người đã có nhiều năm sống và làm việc ở Mỹ, GS. Vũ Đức Vượng chia sẻ rằng: ấn tượng của không ít người Mỹ và cả những người Việt xa quê nhiều năm nay về Việt Nam chính là hình ảnh cuộc chiến tranh đau thương ngày nào. Nhiều năm đã trôi qua nhưng nỗi ám ảnh về những ngày tháng bom đạn ác liệt ấy vẫn là nỗi kinh hoàng của bao người. Và những thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở Mỹ chỉ nghe kể về Việt Nam qua ký ức của ông bà, cha mẹ hẳn sẽ không thể hiểu được một cách chính xác về Việt Nam hôm nay, nhất là khi nước ta đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đổi thay từng ngày. Khóa học SYA tại Việt Nam sẽ giúp các bạn trẻ có được cái nhìn đúng đắn và chính xác, những hiểu biết về văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam.

"Hiệu quả thực sự của chương trình có lẽ phải chờ đến 20, 30 năm nữa mới nói được. Nhưng mối thiện cảm cũng như những kỷ niệm về Việt Nam mà các em có được sau khóa học sẽ theo các em trong suốt cuộc đời. Hòa mình vào mọi mặt của cuộc sống Việt, niên học ở Việt Nam giúp các học viên SYA trưởng thành và yêu mến Việt Nam hơn. Rất nhiều em sau khóa học đã tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt. Dù sau này những lứa học viên tốt nghiệp từ SYA có trở lại Việt Nam để du lịch hoặc đầu tư, thậm chí là sinh sống hay không, thì đây cũng là những đại sứ thiện chí giúp đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế” - GS. Vũ Đức Vượng chia sẻ./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com