Cánh cửa dẫn tới một cuộc chiến vẫn bỏ ngỏ

08:03, 07/03/2012
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma mới đây tại Nhà trắng, dù tỏ ý tin tưởng vào một giải pháp ngoại giao, song hai bên vẫn để ngỏ "khả năng sử dụng vũ lực" đối với I-ran nhằm ngăn chặn quốc gia Hồi giáo này sở hữu vũ khí hạt nhân.
Biểu tình ở Oa-sinh-tơn phản đối kế hoạch tiến công I-ran. Ảnh Roi-tơ
Biểu tình ở Oa-sinh-tơn phản đối kế hoạch tiến công I-ran. Ảnh Roi-tơ

Sau khi các biện pháp cấm vận của Mỹ chống Tê-hê-ran chưa đạt hiệu quả như Oa-sinh-tơn mong muốn, những tuyên bố "mập mờ" của Mỹ và I-xra-en một lần nữa cho thấy hai quốc gia đồng minh này đang cùng phối hợp "nhịp nhàng" trong việc đối phó một đối thủ "cứng đầu" như I-ran.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và I-xra-en diễn ra trong bối cảnh hai bên bất đồng về quyết định thời điểm tiến công quân sự chống I-ran cũng như các nhận định chung quanh chương trình hạt nhân của nước này. Mặc dù, Tổng thống Ô-ba-ma khẳng định sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn đối với I-ran, song Oa-sinh-tơn và Ten A-víp vẫn bất đồng chung quanh việc I-xra-en đặt ra "giới hạn đỏ" mà Tê-hê-ran không được phép vượt qua. Một nguồn tin thân cận với Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ni-a-hu tiết lộ, I-xra-en không có ý định gây khó dễ cho nỗ lực tái cử của Tổng thống Ô-ba-ma, nhưng nếu ông Ô-ba-ma không giữ lời hứa, để Tê-hê-ran có vũ khí hạt nhân, I-xra-en sẽ tiến công I-ran. Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu còn nhấn mạnh các nguyên tắc lâu nay trong quan hệ hai nước, trong đó I-xra-en có quyền đơn phương hành động để bảo đảm an ninh. Những tuyên bố cứng rắn mới đây của I-xra-en đã dẫn đến đồn đoán về khả năng quốc gia Do Thái sẽ tiến công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của I-ran. Theo tờ Bưu điện Niu Oóc, Mỹ và I-xra-en đã đạt một thỏa thuận mới, theo đó I-xra-en sẽ chờ tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 6-11 tới mới tiến hành không kích các cơ sở hạt nhân của I-ran.

Trước tuyên bố cứng rắn của các nhà lãnh đạo I-xra-en "không cần thông báo trước cho Mỹ về một cuộc tiến công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của I-ran", Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma cho rằng vẫn còn thời gian để đạt được một giải pháp hòa bình về vấn đề hạt nhân của I-ran. Tuy nhiên, ông cũng tái khẳng định lập trường không loại bỏ bất cứ giải pháp nào, trong đó có giải pháp quân sự để ngăn chặn I-ran theo đuổi vũ khí hạt nhân. Nhằm trấn an đồng minh I-xra-en, ông chủ Nhà trắng cảnh báo, trong trường hợp cần thiết, nếu I-ran vượt ranh giới cho phép, Mỹ sẽ tiến công triệt phá mọi cơ sở hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Mỹ tuyên bố đã chuẩn bị những quả bom có sức công phá mạnh để sẵn sàng triển khai trong trường hợp xảy ra một cuộc tiến công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của I-ran.

Một trong những lý do khiến Mỹ muốn I-xra-en "chờ thêm thời gian" là hy vọng các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với I-ran phát huy tác dụng. Mỹ cho rằng chính quyền I-ran đang vật lộn với khó khăn do hàng loạt các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, thực tế, những đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây chưa mang lại kết quả mong đợi, thậm chí có thể nói là thất bại trước sự "đáp trả" của I-ran. Tê-hê-ran đã tỏ ra không nhượng bộ trước sức ép của Mỹ và phương Tây khi đe dọa cắt nguồn cung cấp dầu mỏ tới sáu nước châu Âu. Nhằm chứng tỏ sức mạnh, I-ran còn liên tiếp tuyên bố những thành tựu mới về nghiên cứu hạt nhân và trình diễn các loại vũ khí hiện đại do nước này sản xuất. Trong một biện pháp nhằm "vô hiệu hóa" các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, I-ran đã tìm ra các phương thức trao đổi, thanh toán thay thế như vàng và các đồng nội tệ trong các giao dịch mua bán dầu mỏ.

Trong bối cảnh chính quyền Ô-ba-ma ráo riết tăng cường sức ép đối với I-ran thông qua các biện pháp trừng phạt, báo chí Mỹ cảnh báo một cuộc tiến công quân sự I-ran có thể dẫn tới những hậu quả vượt tầm kiểm soát. Tổng thống Ô-ba-ma hiện đối mặt hai luồng sức ép. Một bên là các đối thủ của ông trong đảng Cộng hòa và một số nghị sĩ trong Quốc hội khi họ cho rằng ông chưa "cứng tay" đối với I-ran. Trong khi đó, dư luận lại ngày càng lo ngại về khả năng giá dầu mỏ tăng đột biến nếu xảy ra một cuộc chiến tranh với I-ran, trong khi kinh tế Mỹ đang cần sự ổn định để phục hồi. Chiến tranh sẽ đẩy giá dầu leo thang và làm chậm đà phục hồi kinh tế Mỹ.

Những căng thẳng chung quanh mối quan hệ giữa Mỹ, I-xra-en với I-ran đang thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới, nhất là trước những tuyên bố cứng rắn của I-xra-en về một cuộc tiến công I-ran. Việc Oa-sinh-tơn đưa ra cách giải quyết "nước đôi" có thể là "khôn ngoan" trong quan hệ với đồng minh lâu năm I-xra-en, song không thể làm dịu những căng thẳng với I-ran chung quanh vấn đề hạt nhân hết sức nóng bỏng. Mọi sự lựa chọn của Mỹ và I-xra-en vẫn ở trên bàn, cánh cửa dẫn đến một cuộc tiến công I-ran vẫn bỏ ngỏ và "thùng thuốc súng" ở khu vực Trung Ðông có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com