Các "quốc gia hạt nhân" trên thế giới

08:03, 29/03/2012
Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân vừa kết thúc tại Xơ-un, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, đại diện từ 50 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Nhân dịp diễn ra hội nghị, Roi-tơ có bài giới thiệu các quốc gia sở hữu và được cho là phát triển vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Năm cường quốc hạt nhân

Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột, khi ném bom nguyên tử vào Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki (Nhật Bản) tháng 8-1945. Ðến năm 2010, Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân (khoảng 200 đầu đạn hạt nhân), ở các nước Bỉ, I-ta-li-a, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ...; và đã di chuyển vũ khí hạt nhân khỏi Ðức tháng 7-2007 và Anh tháng 6-2008. Tổng thống B.Ô-ba-ma cam kết mục tiêu lâu dài của Oa-sinh-tơn là không có vũ khí hạt nhân.

LB Nga theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân từ thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai, điển hình là vụ thử nghiệm bom nguyên tử năm 1949. Nga thừa hưởng một nhà máy liên hợp sản xuất vũ khí hạt nhân và kho dự trữ lớn các nguyên liệu hạt nhân. Các số liệu ước tính, Nga hiện có khoảng 770 tấn u-ra-ni làm giàu mức độ cao (HEU) và khoảng 128 tấn plu-tô-ni sử dụng trong các mục đích quân sự.

Nhà máy điện hạt nhân Bu-sê của I-ran.   ( Ảnh: Armytimes.com )
Nhà máy điện hạt nhân Bu-sê của I-ran. ( Ảnh: Armytimes.com )

Pháp tiến hành vụ thử hạt nhân lần đầu tháng 2-1960 và mới nhất vào tháng 1-1996 tại sa mạc Xa-ha-ra và đảo san hô Thái Bình Dương. Năm 2008, Tổng thống N.Xác-cô-di tuyên bố giữ nguyên kho dự trữ tên lửa, tàu ngầm và giảm một phần ba vũ khí phòng không. Tháng 9 cùng năm, Pháp chính thức cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, còn khoảng 300 đầu đạn hạt nhân.

Anh hiện có kho dự trữ hạt nhân dưới 180 đầu đạn hạt nhân chiến lược triển khai trên tàu ngầm sử dụng năng lượng nguyên tử. Năm 2007, Anh lên kế hoạch thiết kế hạm đội tàu ngầm mới, thay thế các tàu ngầm sử dụng năng lượng nguyên tử, nhưng việc triển khai bị trì hoãn đến năm 2016. Năm 2010, Anh cân nhắc giảm đến mức thấp nhất số lượng tên lửa triển khai, nhằm hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân xuống 120 tên lửa.

Trung Quốc bắt đầu chương trình phát triển vũ khí hạt nhân từ năm 1955 và kể từ đó đã tiến hành 45 cuộc thử hạt nhân. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Bắc Kinh có khoảng từ 130 đến 190 tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Ủy ban quốc tế về nhiên liệu phân hạch (IPFM) ước tính, Trung Quốc đã sản xuất 20 tấn HEU.

Ba nước thử vũ khí hạt nhân công khai

CHDCND Triều Tiên cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân vào 2005, nhưng sau đó đã tiến hành các vụ thử hạt nhân vào tháng 10-2006 và tháng 5-2009. Một nhà máy làm giàu u-ra-ni khánh thành tháng 11-2010. Phương Tây cho rằng, Bình Nhưỡng có đủ nhiên liệu để sản xuất tới chục quả bom nguyên tử. Ðàm phán sáu bên giữa CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mỹ bắt đầu từ năm 2003 với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng bị trì hoãn từ tháng 4-2009. Triều Tiên vừa tuyên bố kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tháng 4 tới.

Ấn Ðộ bắt tay nghiên cứu chương trình chất nổ hạt nhân vào năm 1968, điển hình là vụ thử hạt nhân tháng 5-1974. Ấn Ðộ tuyên bố là quốc gia có vũ khí hạt nhân sau khi tiến hành năm cuộc thử nghiệm tháng 5-1998. Năm 2010, Ấn Ðộ sản xuất từ 60 đến 80 thiết bị hạt nhân; kho dự trữ HEU có khoảng từ 0,2 tấn đến 0,5 tấn.

Pa-ki-xtan đưa ra lộ trình làm giàu u-ra-ni từ giữa thập niên 70 của thế kỷ trước; đến giữa thập niên 80, đã có một nhà máy bí mật làm giàu u-ra-ni. Tháng 5-1998, Pa-ki-xtan tiến hành thử hạt nhân, ngay sau các vụ thử của Ấn Ðộ; và tuyên bố là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Mỹ đánh giá, đến năm 2011, Pa-ki-xtan đã làm giàu được 2,75 tấn HEU; triển khai 90 đến 110 vũ khí hạt nhân.

Hai nước nghi ngờ có vũ khí hạt nhân

I-xra-en được cho là sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng kể, nhưng Ten A-víp không xác nhận hay phủ nhận, và cũng chưa tiến hành thử hạt nhân công khai. I-xra-en có hai lò phản ứng hạt nhân, gồm Nhà máy Ði-mô-na bí mật ở sa mạc Nê-ghép, nơi được cho là sản xuất vũ khí hạt nhân; một lò phản ứng nghiên cứu ở Na-han gần Ten A-víp, từng mở cửa cho các nhân viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới giám sát. I-xra-en được cho là có đủ nguyên liệu để sản xuất từ 100 đến 300 đầu đạn hạt nhân.

I-ran luôn khẳng định các chương trình làm giàu u-ra-ni phục vụ sản xuất điện hạt nhân. Các cường quốc phương Tây nghi ngờ I-ran đang phát triển các thiết bị chế tạo bom nguyên tử. I-ran phải chịu các lệnh trừng phạt của LHQ, Mỹ, châu Âu do chương trình hạt nhân. Báo cáo năm 2011 của IAEA tiết lộ, có bằng chứng cho thấy các "hoạt động nghiên cứu" ở I-ran là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân.

Cả năm "cường quốc hạt nhân" đều tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và được xác định là "các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân". Ấn Ðộ và Pa-ki-xtan không tham gia NPT. CHDCND Triều Tiên phê chuẩn NPT, nhưng năm 2003 lại rút khỏi Hiệp ước. I-ran tham gia NPT từ năm 1970, trong khi I-xra-en đến nay vẫn đứng ngoài Hiệp ước.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com