Bắc Âu cải cách để tự bảo vệ trước "bão" nợ công

07:03, 23/03/2012
Cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đến nay chưa lan tới các nền kinh tế Bắc Âu. Giới đầu tư vẫn xem các thị trường này là nơi trú ẩn an toàn nhất châu Âu. Chính phủ các nước Bắc Âu tiếp tục đẩy mạnh các chính sách cải cách, nhằm trụ vững trong "cơn bão nợ" ở khu vực.
Tòa nhà Sở Giao dịch chứng khoán Xtốc-khôm (Thụy Ðiển).
Tòa nhà Sở Giao dịch chứng khoán Xtốc-khôm (Thụy Ðiển).

Mô hình kinh tế của các nước Bắc Âu gồm Ðan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Ðiển, với mức nợ công khá thấp, thị trường lao động năng động, chế độ phúc lợi cao..., là yếu tố tích cực giúp các nước này tự bảo vệ trước cuộc khủng hoảng nợ đang hoành hành ở châu Âu. Việc không tham gia Eurozone làm giảm nguy cơ lây lan khủng hoảng cho Ðan Mạch, Na Uy và Thụy Ðiển. Hiện nay, ba nước này được xem là "thiên đường an toàn" đối với các nhà đầu tư trái phiếu chính phủ ở châu Âu, nếu so sánh giá trị trái phiếu không cao nhưng ổn định ở Bắc Âu với số lượng trái phiếu "dễ bay hơi" ở các thị trường Nam Âu.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các nước Bắc Âu có thể "miễn dịch" hoàn toàn với những tác động của khủng hoảng nợ công. Phần Lan là nước Bắc Âu duy nhất lưu hành đồng ơ-rô, nên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các bước thăng trầm kinh tế ở Eurozone. Cũng vì là thành viên Eurozone, Phần Lan không thể phá giá đồng tiền nhằm lấy lại khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, Phần Lan còn phải đóng góp vào Quỹ Bình ổn châu Âu (EFSF). Ðan Mạch mất 175.000 việc làm kể từ năm 2010; tỷ lệ lạm phát cao làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế; nợ tư nhân cao cũng ảnh hưởng lòng tin người tiêu dùng và suy giảm nhu cầu trong nước. Tháng 2-2012, Ngân hàng Trung ương Thụy Ðiển hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2012 từ 1,3% xuống 0,7%. Chỉ Na Uy là vẫn trụ vững trong bão nợ, với thặng dư ngân sách năm 2011 đạt 19 tỷ USD.

Dù chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, các nước Bắc Âu vẫn tiến hành những chiến lược bảo vệ nền kinh tế trước khủng hoảng nợ công. Những chiến lược này gồm các chương trình chi tiêu khắc khổ, như cắt giảm phúc lợi xã hội, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, như tới các thị trường BRICS (Bra-xin, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi), nhằm giảm sự phụ thuộc các thị trường truyền thống là châu Âu và Bắc Mỹ. Ðầu năm 2012, xuất khẩu của Ðan Mạch đã phục hồi ở mức chưa từng có, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sau khi đạt mức thặng dư thương mại 14,3 tỷ USD trong năm 2011. Năm ngân hàng lớn của Ðan Mạch đã vượt qua cuộc sát hạch cam go của EU và có thể thỏa mãn các yêu cầu của EU về tăng vốn cho ngân hàng khu vực, giúp các ngân hàng này có khả năng đối phó những cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai. Ðan Mạch đưa ra một gói kích cầu khiêm tốn, trị giá khoảng hai tỷ USD giai đoạn 2012-2013, nhằm vào các dự án về giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và nâng cao đầu tư vào công nghệ xanh.

Phần Lan cũng thực thi nhiều biện pháp khắc khổ, tung ra các gói kích cầu và điều chỉnh mạnh mẽ khu vực tài chính, gồm cả lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Theo Cục Thống kê Thụy Ðiển, nước này có khoảng 70.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 90% tổng số doanh nghiệp và sử dụng khoảng 60% lực lượng lao động của đất nước). Các doanh nghiệp này hiện đóng góp 55% GDP và chiếm 65% tổng đầu tư của xã hội. Thụy Ðiển hy vọng, các doanh nghiệp này có thể giúp nền kinh tế thoát khỏi suy thoái và nâng cao khả năng tự vệ, nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng trong năm 2012. Na Uy từng đầu tư một nửa nguồn tài chính từ quỹ xuất khẩu dầu mỏ vào EU, nay Ngân hàng Trung ương nước này cho biết sẽ ngừng đầu tư và hạn chế các giao dịch tài chính với khu vực này...

Ở Bắc Âu, phúc lợi xã hội vừa là gánh nặng, vừa là nguồn lực, bởi đó là nguồn chi cơ bản cho phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, trợ cấp thất nghiệp và tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Nhưng, khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang làm chậm lại tăng trưởng kinh tế ở Bắc Âu, cùng với sự lão hóa dân số khiến ngân sách chi cho phúc lợi xã hội ngày càng tăng, tạo áp lực cho nền kinh tế. Các nước Bắc Âu đang thực thi nhiều biện pháp để giải quyết bài toán gánh nặng phúc lợi xã hội và thách thức tăng trưởng kinh tế. Phần Lan tăng tuổi nghỉ hưu để tăng nguồn cung lao động, đầu tư vào nền kinh tế xanh và cải thiện hiệu quả khu vực công. Thụy Ðiển giảm chi tiêu công hiện chiếm 53% GDP. Ðan Mạch cải cách chế độ phúc lợi, tăng thuế và đầu tư phát triển nguồn năng lượng thay thế.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com