I-ran sẽ xây thêm bốn lò phản ứng nghiên cứu mới để bổ sung cho lò phản ứng duy nhất đang hoạt động tại thủ đô Tê-hê-ran. Sắc lệnh trên vừa được Tổng thống I-ran M.A-ma-đi-nê-giát (Mahmoud Ahmadinejad) được đưa ra trong bối cảnh I-ran vừa công bố một loạt tiến bộ trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này như tăng thêm 3000 máy ly tâm, nạp các thanh nhiên liệu lần đầu được sản xuất trong nước vào lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân...
Tổng thống M.A-ma-đi-nê-giát thăm một lò phản ứng |
Tổng thống A-ma-đi-nê-giát cho rằng, dựa trên nhu cầu của nước này, cần phải xây dựng bốn lò phản ứng tại bốn địa điểm khác nhau để triển khai các hoạt động nghiên cứu cũng như cung cấp đồng vị phóng xạ phục vụ mục đích y tế. I-ran đang xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu ở thành phố A-rắc, miền Trung nước này với thiết kế mạnh hơn lò phản ứng tại Tê-hê-ran. Đồng thời, I-ran cũng có kế hoạch xây dựng 20 lò phản ứng để sản xuất điện nguyên tử.
Động thái trên càng làm gia tăng cẳng thẳng giữa I-ran với các nước phương Tây. Tuy nhiên, Mỹ và I-xra-en cũng bày tỏ nghi ngờ trước tuyên bố của Tê-hê-ran về những thành tựu hạt nhân đạt được trong thời gian qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Vích-to-ri-a Nu-lân (Victoria Nulan) cho rằng, trên thực tế những tiến bộ này đã được Tê-hê-ran "thổi phồng". Thư ký báo chí Nhà Trắng, Giây Ca-ni (Jay Carney) lại cho rằng, I-ran đang "đánh lạc hướng" cộng đồng quốc tế về thiệt hại mà những lệnh trừng phạt quốc tế gây phương hại cho quốc gia Hồi giáo này.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en Ê-hút Ba-rắc (Ehud Barak) nhấn mạnh, những tuyên bố của Tê-hê-ran là cường điệu, song nỗ lực theo đuổi hạt nhân của I-ran vẫn là mối đe dọa. Ông Ba-rắc cũng nghi ngờ việc I-ran nói "một hệ thống mới" các máy ly tâm của nước này đã đi vào hoạt động.
Trong khi đó, trang web Bộ Ngoại giao Nga dẫn lời Thứ trưởng nước này Xéc-gây Ri-a-cốp (Sergei Ryabkov) cho rằng, "I-ran đang thực sự có những bước tiến trong chương trình hạt nhân của mình, và Nga lo ngại khoảng cách từ chỗ Tê-hê-ran sở hữu lý thuyết công nghệ hạt nhân tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân đang ngày càng được thu hẹp". Ông Ri-a-cốp nêu rõ, một nước I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân "không phải là lựa chọn của Nga". Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng tuyên bố, Mát-xcơ-va sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt, vốn nhiều khả năng được đưa ra nhằm thay đổi chế độ ở I-ran. Theo ông Ri-a-cốp, Nga vẫn chưa thấy bằng chứng rằng, chương trình hạt nhân của I-ran mang quy mô quân sự.
Liên quan đến chương trình làm hạt nhân của Tê-hê-ran, ngày 16-2, Đại sứ I-ran tại Nga X.Xa-gia-đi (Seyed Mahmoud-Reza Sajjadi) cho biết, Tê-hê-ran sẽ chấp thuận đàm phán với nhóm P5+1 (gồm 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) mà không kèm theo "các điều kiện tiên quyết”. Trước đó, ngày 15-2, Truyền hình I-ran đưa tin chính phủ nước này đã chuyển một bức thư cho Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Ca-thơ-rin A-stơn (Catherine Ashton), trong đó bày tỏ I-ran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán mới về chương trình hạt nhân của nước này theo hướng xây dựng. Cuộc đàm phán gần đây nhất giữa I-ran và Nhóm P5+1 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái song không có kết quả.
Theo: qdnd.vn