Một điệu múa dân tộc của Ấn Ðộ được trình diễn nhân lễ kỷ niệm 62 năm Ngày Cộng hòa ở Thủ đô Niu Ðê-li. Ảnh AP |
Ðẩy mạnh việc triển khai chính sách "hướng Ðông", quan hệ giữa Ấn Ðộ với các nước ở khu vực Ðông Á nói chung và ASEAN nói riêng gần đây có những chuyển động tích cực. Cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Thái-lan Dinh-lắc Xin-vắt đã thăm chính thức Ấn Ðộ và trở thành khách mời danh dự tham dự lễ kỷ niệm trọng thể 62 năm Ngày Cộng hòa của Ấn Ðộ. Dịp này, Thái-lan và Ấn Ðộ đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Ðây là kết quả cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Thái-lan Dinh-lắc Xin-vắt và Thủ tướng nước chủ nhà M.Xinh. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký sáu hiệp định hợp tác về quốc phòng, an ninh, thương mại, chống khủng bố và cướp biển. Hai bên cũng nhất trí xúc tiến đàm phán về hiệp định tự do thương mại khu vực đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vào tháng 7 tới. Trước đó, hồi tháng 10-2011, Tổng thống Mi-an-ma U Thên Xên đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Ấn Ðộ theo lời mời của Tổng thống Ấn Ðộ P.Pa-tin. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường quan hệ hợp tác và phối hợp hiệu quả giữa lực lượng an ninh và tình báo hai nước trong việc đối phó các mối đe dọa như buôn lậu vũ khí, ma túy và khủng bố. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí củng cố hơn nữa cơ chế quản lý biên giới và cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền lãnh thổ của nhau, không cho phép các tổ chức khủng bố và bạo loạn sử dụng lãnh thổ hai nước để làm nơi đào tạo, ẩn náu và thực hiện các hoạt động thù địch khác. Theo chủ trương này, mới đây, tại Thủ đô Nây Pi Tô của Mi-an-ma đã diễn ra hội nghị cấp quốc gia về đường biên giới giữa Ấn Ðộ và Mi-an-ma. Tại hội nghị, hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác nhằm xây dựng đường biên giới chung ổn định và hữu nghị. Hai bên cũng thảo luận việc ký kết bản ghi nhớ chung về các vấn đề biên giới và những lợi ích chung giữa hai nước, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác nhằm nâng cao đời sống của người dân sinh sống tại các khu vực này.
Ngay trước thềm năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Y.Nô-đa đã có chuyến thăm chính thức Ấn Ðộ kéo dài ba ngày. Dịp này, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (28-4-1952 - 28-4-2012). Hai bên cũng nhất trí thảo luận để nối lại tiến trình đàm phán hiệp định song phương về hợp tác năng lượng nguyên tử vì mục đích dân sự, vốn bị đình trệ sau sự cố Nhà máy điện nguyên tử Phư-cư-si-ma số 1 của Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo hai nước bày tỏ hy vọng rằng các công ty Nhật Bản và Ấn Ðộ sẽ tăng cường hợp tác trong việc sản xuất và kinh doanh kim loại đất hiếm. Thủ tướng Nô-đa cũng đề nghị Niu Ðê-li sử dụng công nghệ tàu cao tốc sin-kan-sen của Nhật Bản trong dự án xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc của nước này.
Trong tuyên bố chung công bố sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo cho biết lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản và Hải quân Ấn Ðộ sẽ tiến hành các cuộc diễn tập chung trong năm 2012 và tăng cường hợp tác nhằm hướng tới bảo đảm an ninh hàng hải khu vực. Hai bên cũng nhất trí nâng quy mô thỏa thuận hoán đổi tiền tệ từ mức ba tỷ USD lên 15 tỷ USD. Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết đầu tư 4,5 tỷ USD trong năm năm tới nhằm thúc đẩy dự án Hành lang công nghiệp Ðê-li - Mum-bai với mục tiêu phát triển một khu công nghiệp trải dài trên sáu bang của Ấn Ðộ. Phát biểu ý kiến trước báo giới, Thủ tướng Xinh và Thủ tướng Nô-đa đều khẳng định quan hệ Nhật Bản- Ấn Ðộ đang phát triển mạnh, hai nước không chỉ có chung các giá trị và lợi ích chiến lược mà còn có quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, nên tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn.
Quan hệ giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc cũng có những động thái mới theo hướng tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Giữa tháng 1 vừa qua, tại Thủ đô Niu Ðê-li, Ấn Ðộ và Trung Quốc tiến hành vòng đàm phán thứ 15 về tranh chấp biên giới và hai bên đã đạt thỏa thuận thành lập Cơ chế làm việc để tham vấn và phối hợp trong các vấn đề về biên giới. Nhiệm vụ chính của Cơ chế mới là giải quyết các vấn đề liên quan tranh chấp biên giới giữa hai nước cũng như giữ gìn hòa bình ổn định tại khu vực này. Ngoài ra, Cơ chế này còn có nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy trao đổi quân sự và hợp tác giữa hai bên tại các khu vực biên giới. Cơ chế hợp tác này sẽ giúp nâng cao lòng tin, bảo đảm hòa bình và tạo điều kiện để xác lập đường biên giới của hai nước. Trước đó, tại cuộc đối thoại quốc phòng hằng năm diễn ra ở Thủ đô Niu Ðê-li, Ấn Ðộ và Trung Quốc nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng với tinh thần "xây dựng và thân thiện" nhằm giảm căng thẳng tại khu vực biên giới. Hai bên cùng cho rằng sự khác biệt trong lĩnh vực chính trị và quân sự nên được giải quyết theo tinh thần tích cực, phù hợp thực tế, không nên gây ra bất cứ căng thẳng nào không cần thiết.
Việc Ấn Ðộ đẩy mạnh triển khai chính sách "hướng Ðông", trong đó thực hiện hàng loạt những bước đi tích cực nói trên được dư luận hoan nghênh và đánh giá cao. Ðồng thời tin tưởng rằng Ấn Ðộ sẽ tiếp tục đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp thúc đẩy hòa bình và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới, tương xứng với vai trò và vị thế ngày càng tăng cao của đất nước sông Hằng.
Theo: nhandan.com.vn