Trong số rất nhiều kiều bào sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam để đón một cái Tết Việt đầm ấm yêu thương dịp xuân Nhâm Thìn vừa qua, tôi đã gặp và trò chuyện với anh Đặng Văn Tư, giáo viên giảng dạy Tiếng Việt tại Lào. Những tâm sự của một người con xa quê luôn canh cánh trong lòng anh Tư nhưng hơn tất cả, đó là những trăn trở để làm sao việc dạy và học Tiếng Việt trên đất bạn Lào nói riêng và trên thế giới nói chung ngày càng hiệu quả hơn.
Hiện nay, Tiếng Việt trở thành một môn học được giảng dạy ở nhiều trường học tại Lào. Ảnh: Internet |
Những tín hiệu vui
Đoàn giáo viên Việt Nam sang Lào công tác gồm hơn hai mươi thành viên theo hiệp định hợp tác về giáo dục giữa Bộ GD và ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Lào. Họ được phân công giảng dạy Tiếng Việt trong các nhà trường trải suốt từ các tỉnh phía Bắc, thủ đô Viêng Chăn đến các tỉnh Trung và Nam Lào. Đối tượng chủ yếu của chương trình này là con em kiều bào sinh sống tại Lào. Bên cạnh đó, rất nhiều người Lào, trong đó có các em học sinh cấp 2, cấp 3 cũng có nhu cầu học Tiếng Việt với mong muốn sang Việt Nam du học cũng như thuận lợi hơn trong công việc, hợp tác giao thương sau này. Chính vì lứa tuổi cũng như đối tượng muốn học Tiếng Việt đa dạng như vậy nên việc lựa chọn chương trình, phương pháp dạy sao cho phù hợp cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.
Theo sự tìm hiểu của anh Đặng Văn Tư, trước khi có chương trình hợp tác này thì hoạt động dạy và học Tiếng Việt cho con em kiều bào chủ yếu do các Hội người Việt tổ chức, thông qua việc lập trường, lớp riêng. Đội ngũ giáo viên hầu hết là những người biết Tiếng Việt, yêu thích và tâm huyết với việc truyền dạy Tiếng Việt cho thế hệ trẻ nhưng không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ sư phạm nên hiệu quả vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, hầu như không có một tài liệu cụ thể nào hướng dẫn về chương trình, nội dung giảng dạy Tiếng Việt một cách chuẩn mực.
Đến khi có đoàn công tác của Việt Nam sang thì hai bộ giáo trình được sử dụng giảng dạy chủ yếu là "Quê Việt” và "Tiếng Việt vui”. Tuy nhiên, nếu dạy hoàn toàn theo hai bộ giáo trình này thì tương đối khó so với trình độ tiếp nhận của một số học sinh, nhất là những em mới bắt đầu tiếp cận với việc học Tiếng Việt. Vì thế, những giáo viên trực tiếp giảng dạy như anh Tư cũng phải nghiên cứu và chắt lọc để đưa ra chương trình học phù hợp nhất đối với từng nhóm đối tượng khác nhau. Các em không chỉ được học và kiểm tra, đánh giá chất lượng thường xuyên trong nhà trường mà còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích để việc học Tiếng Việt trở nên gần gũi và sinh động hơn đối với các em. Điển hình trong năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại trường Hữu nghị Lào - Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn đã tổ chức nhiều hoạt động như thi tìm hiểu về Bác với nhiều nội dung phong phú như các phần thi hỏi đáp, thi kể chuyện, đọc thơ, hát,... bằng Tiếng Việt. Cách làm này kết hợp giữa việc học và chơi nên được các em đón nhận rất hào hứng, sôi nổi. Đây vừa là cơ hội để các em giao lưu, thực hành Tiếng Việt và hiểu biết thêm về văn hóa, con người Việt Nam.
"Được biết mới đây đề án về giáo trình giảng dạy Tiếng Việt cho người Lào do Bộ GD và GD Việt Nam giao cho trường Hữu nghị T78 ở Sơn Tây (Hà Nội) xây dựng đã được nghiệm thu. Hy vọng bộ sách sẽ sớm được đưa vào áp dụng để góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo”, anh Tư nói.
Nỗi niềm những "đại sứ văn hóa”
Một tiết học ngoại khóa của thầy và trò trường Hữu nghị Lào - Việt (Viêng Chăn, Lào). Ảnh: Internet |
Có nhiều cơ hội tiếp xúc với bà con kiều bào hiện đang sinh sống và làm việc ở xứ sở triệu voi, theo anh Tư dù bận rộn với công việc, cuộc sống mưu sinh hằng ngày nhưng tấm lòng bà con Việt kiều vẫn luôn hướng về quê hương, nguồn cội. Bên cạnh các hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước khi gặp thiên tai dịch bệnh, bà con cũng rất chú trọng đến việc dạy Tiếng Việt cho con em mình, những thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở Lào. Vì thế, khi biết có đoàn giáo viên từ Việt Nam sang rất nhiều bậc phụ huynh đã đề nghị các thầy cô ngoài thời gian giảng dạy trên lớp theo thời khóa biểu đã được từng trường quy định thì dành thời gian kèm cặp thêm cho con em họ vào ngày thứ 7, chủ nhật. Chẳng thế mà rất nhiều lớp học Tiếng Việt miễn phí đã được mở ra bằng sự tận tụy, yêu nghề của những giáo viên người Việt. Như trường hợp của anh Đặng Văn Tư, ngoài giờ lên lớp tại trường Hữu nghị Lào - Việt Nam, anh còn mở thêm một lớp học phụ đạo cho các em học sinh một tuần hai buổi, mỗi buổi khoảng 2 tiếng. Lớp học này hoàn toàn miễn phí bởi như anh Tư nói, sức mình làm được bao nhiêu thì sẽ cố gắng làm bấy nhiêu. Bên cạnh đó, anh Tư còn làm thêm công tác tư vấn cho phòng Văn hóa - Giáo dục ở Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, tham gia dạy Tiếng Việt cho cán bộ của các vụ viện của nước bạn Lào, đặt tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cách mạng nhân dân Lào.
Chia sẻ về công việc mình đang làm, anh Tư tâm sự: "Tôi vốn là giáo viên môn Ngữ văn, công tác tại tỉnh Bắc Giang trước khi tham gia vào chương trình dạy Tiếng Việt trên đất nước Lào. Tôi lựa chọn công việc này vì được làm đúng công việc mình yêu thích, vừa có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về các nền văn hóa trên thế giới. Nhưng sống xa quê hương cũng không dễ dàng gì. Vừa phải thích nghi với cuộc sống mới, lại thêm nỗi nhớ gia đình. Cũng may, bây giờ phương tiện đi lại đã dễ dàng hơn trước nhưng thời gian eo hẹp, cố gắng lắm cũng chỉ có thể tranh thủ dịp nghỉ hè và tết về thăm gia đình. Giá vé lại không hề rẻ so với thu nhập của giáo viên như chúng tôi”.
Chẳng thế mà mỗi lần trở lại Lào dạy học, anh Tư và các bạn đồng nghiệp đều cố gắng mua thật nhiều đồ mang sang, từ mì tôm cho đến hộp xà phòng thơm, dầu gội đầu... Đời sống sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn là thế còn đời sống tinh thần của các cán bộ trong đoàn công tác cũng có những hạn chế riêng bởi ngoài giờ giảng dạy, đa số các giáo viên không có phương tiện giải trí nào. Ở Lào không có xe ôm hay taxi mà giáo viên Việt sang không có xe riêng nên muốn di chuyển thì chỉ còn cách đi bộ hoặc đi xe túc túc (một loại phương tiện tương tự như xe Lam ở Việt Nam).
Khó khăn là thế, nhưng mỗi giáo viên tình nguyện xa quê hương như anh Tư luôn tận tụy với nghề, hết lòng truyền dạy Tiếng Việt cho những ai yêu mến và trân trọng nó. Họ không chỉ làm nhiệm vụ dạy học mà cao hơn, đó chính là những "đại sứ văn hóa” của Việt Nam trên nước bạn Lào anh em. Nói như anh Tư thì "dạy Tiếng Việt không chỉ đơn thuần là dạy một ngôn ngữ mà quan trọng hơn là qua đó giúp người học hiểu về nền văn hóa Việt Nam giàu truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó bồi đắp cho các em, nhất là những thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba không sinh ra trên mảnh đất hình chữ S tình yêu đối với quê hương, đất nước”./.
Theo: daidoanket.vn