Cả tuần liền, trời Paris sụt sùi mưa giăng giăng, bỗng nhiên vào ngày theo lịch âm ở Việt Nam đang là 29 Tết, trời bỗng khô ráo hẳn. Khu phố Albert thuộc quận 13 của Thành phố Paris rộn ràng khác thường. Đó chính là nơi đặt trụ sở của Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp. Và hôm ấy, cũng giống như bao người con xa xứ khác trên khắp mọi miền, bà con Việt kiều tụ tập về đây để cùng nhau đón mừng năm mới, năm con Rồng.
Các Việt kiều trong Hội Tre Xanh. Ảnh: Internet |
Mới 14 giờ chiều, không khí náo nhiệt hẳn lên, bà con đến rất đông, cả người Việt lẫn người Pháp và thấp thoáng có cả những người da đen, mà theo giới thiệu họ đã rất quen với địa điểm này, và là những người bạn lâu năm của Việt Nam. Phần văn nghệ được bắt đầu từ sáng gồm có giải Chung kết cờ tướng và bóng bàn. Tiếp sau đó là phần triển lãm "Khám phá vẻ đẹp quan họ Bắc Ninh” và "Giới thiệu vẻ đẹp dân ca Quan họ” với sự tham gia của nhà dân tộc học Trần Quang Hải và đoàn Quan họ Bắc Ninh. Đặc biệt, Tết này bà con Việt kiều có vinh dự được đón hai liền chị Nguyễn Thị Sang và Thềm, nữ nghệ nhân đến trực tiếp từ làng Diềm, Bắc Ninh. Đây là lần đầu tiên hai chị sang trời Âu biểu diễn, chị Sang tâm sự: "Rất hồi hộp và khó nói, mình vốn là nông dân...”, chị cho biết: Những làn điệu dân ca mà chị học được là do ông bà, cha mẹ truyền lại, chứ không qua một trường lớp nào. Khi đến đây biểu diễn chị cảm thấy rất hạnh phúc nhưng cũng cảm thấy một trách nhiệm rất lớn, vì đây là dịp quảng bá làn điệu dân ca truyền thống của quê hương ra thế giới, và mục đích chủ yếu là để bảo vệ nền văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Chương trình văn nghệ tiếp tục cho đến lúc 17h30 bỗng cả hội trường im ắng hẳn, chỉ còn những tiếng pháo, tiếng nhạc phát ra từ chiếc truyền hình to được đặt giữa phòng. Bà con bồi hồi lắng nghe lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước, tiếp đến là phần biểu diễn của ban nhạc Sao Mai đến từ Thành phố Hồ Chí Minh - Những tiếng hát "Tôi yêu đất Việt Nam này...” nổi lên giữa những làn múa quạt, các thiếu nữ trong bộ áo dài truyền thống màu hoàng yến đi lại uyển chuyển, và sau đó là màn tặng nón trắng cho bà con Việt kiều và những người bạn Pháp. Cầm chiếc nón bài thơ nhẹ bẫng trên tay, khuôn mặt ai cũng hồ hởi, như thể họ đang có mặt tại quê hương mình. Được hỏi giữa hai lần biểu diễn, một nữ nghệ sỹ trẻ chơi đàn nhị tâm sự: "Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên em sang biểu diễn phục vụ kiều bào, nhưng lần trước không đúng dịp giao thừa như thế này, và đây cũng là lần đầu tiên em ăn Tết xa nhà nên cảm thấy rất hồi hộp và trong lòng luôn ấp ủ ý nghĩa sâu xa là sẽ biểu diễn hết mình để mang chút hơi ấm của quê hương đến chia sẻ với kiều bào Paris”. Bạn Ngọc Mai là thành viên của đoàn tâm sự: "Sang đây biểu diễn lần này, em hiểu thêm cảm giác xa xứ của bà con kiều bào, em thấy vui vì sự nhiệt thành của bà con và em xúc động trước sự nhớ về cội nguồn của họ...”.
Có lẽ xúc động nhất là phần trình diễn của các diễn viên nhí Việt kiều trong Hội Tre Xanh (ở độ tuổi từ 6 đến 13). Một Hội mới được thành lập gần hai năm nay, sau bao ngày luyện tập, các em đã trình bày bài Lý cây Bông trong tiếng réo rắt trầm bổng của những cây đàn tranh, rồi đến bài dân ca "Con gà gáy le te lên rồi ai ơi...” rồi bài Hò kéo lưới, kèm theo những động tác vẫn còn hơi gượng gạo nhưng hết sức chăm chú của các em khiến mọi người ai cũng xúc động.
Đến phần buffet, những chai rượu vang đỏ Bordeaux xen lẫn những miếng bánh chưng, giò, nem và dưa hành... Quang cảnh thật ấm cúng, mọi người hồ hởi trao đổi những câu chuyện xưa nay, để rồi cuối cùng lại quay về những cái Tết. Với những em sinh viên mới sang học và làm việc tại Pháp thì hình ảnh Tết truyền thống của quê hương vẫn còn rất sâu đậm. Bạn Bùi Nguyễn Hoàng sang Pháp du học từ năm 2006, hiện đã ra trường và công tác tại một cơ quan lớn của Pháp, tâm sự: "Em hay về Việt Nam, vì công việc, nhưng rất ít khi được ăn Tết ở quê nhà. Em rất vui vì những hoạt động văn hóa văn nghệ của bà con Việt kiều tại Pháp rất đa dạng. Họ tái dựng lại những hình ảnh của đất nước mà em đã từng sống qua khi còn ở Việt Nam. Đến đây vào những dịp như thế này, được thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa và hành muối em lại nhớ đến Tết nơi quê nhà”.
Đến bên một người đàn ông cao tuổi đang đắm mình trước những bức ảnh giới thiệu vẻ đẹp của những trang phục dân tộc, khi được hỏi chuyện, bác cho biết tên là Lê Vinh, đã sống tại Pháp hơn sáu chục năm rồi nhưng rất ít khi về Việt Nam, bác tâm sự : "... Năm nào tôi cũng đến tham dự và chia sẻ ngày đón mừng năm mới như thế này với cộng đồng người Việt. Đến đây tôi cảm thấy được sống lại những tình cảm thân thiết vốn là một trong những phẩm cách của nền văn hóa Việt mình. Bởi mỗi dân tộc chỉ tồn tại và phát triển nhờ vào bản sắc của mình. Tôi thấy xúc động khi nhìn các cháu thế hệ 2, thế hệ 3 của bà con Việt đang đàn, hát dân ca... những tiếng hát còn non nớt và ngòng ngọng nhưng thật đáng yêu. Theo tôi các bậc cha mẹ Việt tại Pháp nên khuyến khích các cháu theo hướng này, khích lệ khám phá truyền thống Việt, tinh thần văn hóa Việt của chúng ta”. Bác cảm thấy vui khi được hỏi cảm giác về các phần trình bày của các đoàn văn nghệ chuyên nghiệp từ Việt Nam sang: "Tôi rất thích, vì trước đây chưa biết được nhiều và đây là dịp để tôi khám phá thêm...”. Với ánh mắt đầy xúc động, bác chỉ tay lên những nếp gấp, những chiếc váy áo của đồng bào Thái: "Phải làm sao để quảng bá những thứ này sang với các bạn bè năm châu. Đẹp, đẹp lắm cháu ạ...”.
Khi nhìn thấy anh Nguyễn Tích Kỳ đang ngồi trầm ngâm một mình, anh là một kiều bào kỳ cựu của Hội Người Việt Nam tại Pháp, và cũng là người tích cực tham gia vào các hoạt động văn nghệ của người xa xứ. Khi được hỏi, anh tâm sự: "Tất cả các hoạt động hướng về cội nguồn thì nên cổ vũ”.
Đây đó những khuôn mặt thân quen xen lẫn chưa quen, những khuôn mặt vui tươi của người Pháp xen lẫn giữa những khuôn mặt hồ hởi của người Việt. Có những cô bác Việt kiều kỳ cựu như anh Trần Tứ Nghĩa, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp cho biết: "Tôi thường xuyên về Việt Nam ăn Tết, nhưng tôi vẫn không bỏ sót một buổi lễ đón năm mới nào của bà con kiều bào tại Paris”, rồi có chú Lê Kim Chi, cô Kiều Thu, bác Hội, em Quang, em Hiền, anh Henri, chị Isabelle, anh Luc... Họ không phân biệt màu da hay sắc tộc, tất cả đều hồ hởi đón mừng năm mới. Những chuyện xưa và nay tạm thời gác lại để tận hưởng không khí ấm nồng tình người, tình dân tộc của ngày Tết đến Xuân về./.
Theo: daidoanket.vn