Với 199 phiếu thuận và 74 phiếu chống, ngày 12-2 (giờ địa phương) Quốc hội Hy Lạp đã thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu để đổi lấy cứu trợ 170 tỷ USD nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ. Các đề xuất trong dự luật nói trên bao gồm giảm 22% lương tối thiểu (32% đối với người làm công dưới 25 tuổi); cải cách thị trường lao động và một gói những cải cách về thuế và chế độ hưu trí. Dự luật cũng đặt mục tiêu cắt giảm 3,3 tỷ ơ-rô chi tiêu công trong năm 2012.
Người biểu tình ném bom xăng vào lực lượng cảnh sát chống bạo động. Ảnh: Roi-tơ |
Dù được xem là trở ngại chính trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, dự luật nói trên không phải là điều kiện duy nhất giúp A-ten nhận được gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ ơ-rô từ EU và IMF. Hai thể chế này còn yêu cầu giới chức Hy Lạp ký cam kết thực hiện những biện pháp thắt lưng buộc bụng trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn dự kiến vào tháng 4 tới và Quốc hội Hy Lạp phải ủng hộ kế hoạch hoán đổi nợ đã được nhất trí với các chủ nợ tư nhân.
Thủ tướng Hy Lạp Lu-cát Pa-pa-đê-mốt (Lucas Papademos) cho rằng, với kết quả cuộc bỏ phiếu trên, nước này đã có một chương trình kinh tế toàn diện và đáng tin cậy để thoát khỏi khủng hoảng và duy trì vị trí của Hy Lạp trong Khu vực đồng ơ-rô. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc thực hiện chương trình này một cách triệt để, đúng lúc và hiệu quả không hề dễ dàng vì kế hoạch này đồng nghĩa người dân Hy Lạp sẽ phải hy sinh rất nhiều thứ.
Việc thông qua chương trình thắt lưng buộc bụng mới là tiền đề để Hy Lạp nhận được gói cứu trợ tài chính thứ hai trị giá 130 tỷ ơ-rô. Ngày 15-2, Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) sẽ nhóm họp để quyết định xem có giải ngân khoản cứu trợ mới cho Hy Lạp hay không. Đến ngày 20-3, Hy Lạp cần thanh toán khoản nợ đáo hạn 14,4 tỷ ơ-rô. Nếu không nhận được khoản cứu trợ mới, Hy Lạp sẽ vỡ nợ.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh bạo lực bùng phát tại thủ đô A-ten và những nơi khác. Tờ Thời báo Lốt An-giơ-lét cho biết, hơn 6000 cảnh sát được huy động để bảo vệ cuộc bỏ phiếu của quốc hội. Trong khi đó, khoảng 100.000 người đã tụ tập tại trung tâm thủ đô A-ten để tiến hành biểu tình. Cảnh sát buộc phải dùng hơi cay trấn áp những người biểu tình quá khích khi họ ném bom xăng đốt cháy nhiều tòa nhà và cửa hiệu. Theo thống kê của Cơ quan bảo vệ công dân, tại thủ đô A-ten, 150 cửa hiệu đã bị người biểu tình đột nhập để cướp phá, 34 tòa nhà bị đốt cháy, trong đó có một số rạp chiếu phim, quán cà phê, nhà hàng và trụ sở ngân hàng. 54 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. “Đây là cuộc biểu tình bạo lực lớn nhất kể từ năm 2007 đến nay”, một cảnh sát Hy Lạp cho biết.
Giới phân tích cho hay, tâm lý giận dữ ngày càng gia tăng trong công chúng tại Hy Lạp vì người ta cho rằng, tác động của các biện pháp thắt lưng buộc bụng lên dân thường vượt quá giá trị của gói cứu trợ.
Theo: qdnd.vn