Tàu chiến Mỹ có mặt tại vùng biển Ô-man. Ảnh Roi-tơ |
Trong một tuần gần đây, báo chí Mỹ liên tiếp đăng tải ý kiến của giới chuyên gia cảnh báo về một cuộc tiến công quân sự do I-xra-en khởi xướng nhằm vào các cơ sở hạt nhân của I-ran. Trong bài viết đăng trên tạp chí Thời báo Niu Oóc, tác giả R.Bớc-man, chuyên gia về thông tin tình báo I-xra-en tiết lộ rằng, Ten A-víp sẽ tiến công Tê-hê-ran trong năm nay. Tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Pa-nét-ta cảnh báo, nhiều khả năng I-xra-en tiến công I-ran trong mùa hè này...
Tin đồn trên là có cơ sở, trong bối cảnh nhiều tuyên bố chính trị cứng rắn và bóng gió cảnh báo về một cuộc tiến công quân sự vào I-ran phát đi từ Ten A-víp. Theo Bộ trưởng Pa-nét-ta, thời điểm I-xra-en "khai hỏa" có thể trước khi I-ran kịp hoàn tất một "vùng miễn dịch" để khởi động chế tạo bom nguyên tử. Ðó là nơi mà Ten A-víp tin rằng Tê-hê-ran sẽ đặt cơ sở hạt nhân quan trọng sâu dưới lòng đất và có khả năng "miễn dịch" với bom phá boong-ke của I-xra-en. Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en Ê.Ba-rắc cảnh báo, một khi các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào I-ran không hiệu quả, I-xra-en sẽ cân nhắc hành động quân sự. Tại một cuộc họp giữa các lãnh đạo tình báo quân sự I-xra-en mới đây, ông Ba-rắc tuyên bố đã tới lúc Ten A-víp đơn phương hành động.
Trong khi đó, Mỹ và đồng minh không ngừng tăng cường lực lượng quân sự tại khu vực. Theo quan sát của đài Tiếng nói nước Nga, từ đầu năm nay, Mỹ, Anh và Pháp đẩy nhanh việc điều binh sĩ và vận chuyển vũ khí tới các nước gần I-ran. Các đội quân được điều động đến căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Na-xi-ra thuộc Ô-man, phía nam eo biển Hoóc-mút; máy bay chiến đấu Mỹ được triển khai ở Ca-ta; thêm 15 nghìn binh sĩ Mỹ được huy động đến Cô-oét; hàng trăm quả bom phá bê-tông được chuyển tới căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Ði-e-gô Gác-xi-a ở Ấn Ðộ Dương và hai đội tàu sân bay Mỹ đã có mặt tại vùng Vịnh. Binh sĩ Anh và Pháp cũng được điều tới khu vực... Từ cuối năm ngoái, đã có những cuộc tập trận, thử tên lửa tại điểm nóng này.
Ðáp trả đe dọa tiến công, I-ran tuyên bố đối đầu với I-xra-en và thách thức các lệnh trừng phạt mới của phương Tây, nhắc lại cảnh báo đóng cửa eo biển chiến lược Hoóc-mút và cân nhắc ngừng ngay lập tức các hợp đồng bán dầu thô cho châu Âu. Lãnh đạo tinh thần tối cao I-ran, Ðại giáo chủ A.Kha-mê-nây, ngày 3-2, cảnh báo về khả năng Mỹ hoặc I-xra-en tiến công các cơ sở hạt nhân của I-ran và tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo không đầu hàng trước sức ép của phương Tây mà từ bỏ chương trình hạt nhân, đồng thời dọa trả đũa một cuộc tiến công quân sự chống nước này. Ngày 4-2, Lực lượng vệ binh cách mạng I-ran tiến hành tập trận gần eo biển Hoóc-mút, như một động thái biểu dương sức mạnh quân sự. Tê-hê-ran còn khởi động các dây chuyền sản xuất vũ khí hiện đại và cử đội tàu chiến lên đường tới Biển Ðỏ, trong hành trình kéo dài hàng chục ngày, nhằm thể hiện sức mạnh ở vùng biển xa để đối phó các hành động thù địch với nước này.
Các động thái tăng cường quân sự cho thấy, các bên đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự có thể sắp diễn ra ở khu vực vịnh Péc-xích. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng khó có một cuộc tiến công quân sự nhằm vào I-ran trong thời gian tới, bởi cả Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran đều thừa nhận họ không thể gánh vác được chi phí và hậu quả nếu chiến tranh nổ ra. Một thực tế nữa là sức mạnh quân sự của I-ran được tăng cường hơn nhiều. Bằng chứng là mới đây, Tê-hê-ran tuyên bố "bắt sống" máy bay không người lái hiện đại của Mỹ. I-ran là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, với sản lượng 4,1 triệu thùng/ngày, chiến tranh xảy ra chắc chắn tác động giá dầu mỏ thế giới. Khi đó, các chính quyền Mỹ và châu Âu đang vật lộn chống chọi khủng hoảng kinh tế sẽ chịu thêm gánh nặng chỉ trích từ người dân. Nằm ở vị trí án ngữ eo biển Hoóc-mút, dễ phòng thủ và khó tiến công, I-ran có thể thực hiện đe dọa phong tỏa eo biển nhỏ hẹp này. Và không chỉ các tàu chở dầu từ vùng Vịnh bị chặn lại, mà tàu chiến của Mỹ và đồng minh cũng khó có thể qua lại...
Với Oa-sinh-tơn, dù gia tăng trừng phạt Tê-hê-ran và tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực, nhưng mục đích chỉ là gây sức ép buộc I-ran từ bỏ các dự án nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân. Bối cảnh năm bầu cử 2012 tại Mỹ có thể khiến Tổng thống B.Ô-ba-ma không liều lĩnh quyết định can dự thêm một cuộc xung đột quân sự nữa, trong khi các cuộc chiến tranh ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan chưa được giải quyết. Tuyên bố ngày 5-2 của ông Ô-ba-ma cho biết, ông muốn có một "kết thúc ngoại giao" cho cuộc tranh cãi về chương trình hạt nhân của I-ran. Ðiều này cho thấy vẫn có thể hy vọng vào một giải pháp đối thoại cho cuộc đối đầu I-ran - phương Tây hiện nay.
Theo: nhandan.com.vn