Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G-20) vừa kết thúc tại Mê-hi-cô mà không đạt thỏa thuận cấp vốn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giải quyết khủng hoảng nợ ở châu Âu.
Các Bộ trưởng Tài chính G-20 không nhất trí cứu trợ châu Âu. |
G-20 đặt điều kiện châu Âu cần xây dựng một "bức tường lửa" ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng lây lan, trước khi nhận được trợ giúp từ bên ngoài.
HỘI nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bước vào năm 2012 với những dự báo thiếu lạc quan: Tăng trưởng kinh tế không đồng đều, với tốc độ yếu ở các nước phát triển và mạnh hơn ở những nền kinh tế mới nổi. Nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn ở mức cao, cùng với tiềm ẩn các yếu tố bất ổn, như biến động của các thị trường tài chính quốc tế, giá dầu tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao ở các nền kinh tế phát triển...
Tại châu Âu, nguy cơ lây lan của "đám cháy" khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), với Hy Lạp là trung tâm, vẫn chưa được dập tắt. Dù Chính phủ Hy Lạp thông qua biện pháp chính sách thắt chặt theo yêu cầu của Liên hiệp châu Âu (EU) và IMF để đổi lấy khoản giải cứu thứ hai và các bộ trưởng tài chính EU cũng đã nhất trí kế hoạch giải ngân gói cứu trợ này, nhưng tình hình Hy Lạp vẫn căng như dây đàn. Nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp vẫn tồn tại, khiến các hãng đánh giá tín dụng quốc tế tiếp tục hạ xếp hạng của A-ten xuống mức thấp nhất, với cảnh báo nền kinh tế ngập trong khó khăn này có thể phá sản bất cứ lúc nào.
Vì thế, việc huy động thêm các nguồn lực tài chính để giúp châu Âu kiểm soát khủng hoảng nợ trở thành chủ đề chính và cũng là vấn đề gây tranh cãi tại Hội nghị G-20 ở Mê-hi-cô. Số đông các thành viên G-20 đều cho rằng, châu Âu cần có một "bức tường lửa" khoanh vùng khủng hoảng nợ công ở Eurozone. Nhưng lại mâu thuẫn về cách thức thúc đẩy châu Âu tạo dựng và duy trì bức tường này. Mâu thuẫn nảy sinh giữa hai luồng ý kiến, một bên đứng đầu là Ðức, với các nước Mỹ, Nhật Bản...
Bộ trưởng Tài chính các nước Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản cho rằng, để kích hoạt "bức tường lửa" ở Eurozone, châu Âu cần tăng quy mô tài chính cho Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) hiện hành, lên 750 tỷ USD, thậm chí 1.000 tỷ USD, để quỹ này hoạt động hiệu quả và bảo đảm với thị trường rằng, châu Âu sẵn sàng trợ giúp các thành viên gặp khó khăn trong trường hợp khẩn cấp. Các nước khác sẽ tham gia giải cứu thông qua việc "bơm" thêm tiền cho IMF. Trong khi đó, Ðức và Pháp lại cho rằng, việc châu Âu tăng quy mô ESM không thể giải quyết triệt để khủng hoảng nợ công ở Eurozone. Ðức là một trong những thành viên EU phản đối việc tăng nguồn quỹ cứu trợ khủng hoảng nợ ở châu Âu.
IMF muốn huy động thêm 500 tỷ USD từ các nước thành viên để theo đuổi kế hoạch bảo vệ các nền kinh tế trước tác động của khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Nhưng triển vọng G-20 "bơm" vốn để IMF giải cứu các nền kinh tế ngập trong nợ nần ở Eurozone vào thời điểm hiện tại là không sáng sủa. Mỹ, Ca-na-đa và nhiều nước không giấu giếm thái độ miễn cưỡng. Trước khi diễn ra hội nghị, thành viên có "tiếng nói" mạnh mẽ nhất tại IMF là Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ khả năng cấp thêm tiền cho IMF. Bởi, trong bối cảnh năm bầu cử ở Mỹ, việc QH nước này phê chuẩn một quyết định như vậy là hết sức khó khăn; chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma chắc chắn không ủng hộ bước đi mạo hiểm này. "Trách nhiệm tài chính" đặt lên vai các nước giàu ở châu Âu, cùng Trung Quốc, Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi. Nhật Bản từng tuyên bố cấp thêm 50 tỷ USD cho IMF, nhưng vẫn chưa đưa ra cam kết chính thức. Bra-xin nêu điều kiện các nước góp vốn cho IMF phải được trao thêm quyền quyết định tại thiết chế tài chính toàn cầu này. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới hy vọng tháng 4 tới mới có thể đạt thỏa thuận về gói cứu trợ toàn cầu trị giá gần 2.000 tỷ USD, nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ công lan rộng.
Tranh cãi về giải pháp giúp châu Âu dập tắt "đám cháy" khủng hoảng nợ khiến Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 không đạt kết quả đáng kể nào, ngoài việc kêu gọi châu Âu hành động khẩn cấp để tạo lập bức tường chống khủng hoảng. Tuyên bố chung của hội nghị khẳng định, cộng đồng quốc tế cần bảo đảm IMF có đủ nguồn lực cần thiết để đối phó khủng hoảng nợ, nhưng lại kêu gọi châu Âu tự tăng nguồn tài chính và gia tăng các chương trình cải cách cơ cấu. Và đó là điều kiện cần thiết để G-20 xem xét tăng hỗ trợ quỹ chống khủng hoảng của IMF. Việc G-20 đá "quả bóng trách nhiệm" trở lại châu Âu đang gây lo ngại, bởi châu Âu đang ở tình cảnh hết sức khó khăn về tài chính, trong khi với bối cảnh toàn cầu hóa, khó có nền kinh tế nào tránh được tác động tiêu cực từ khủng hoảng nợ ở châu Âu.
Theo: nhandan.com.vn