Trong bối cảnh dư luận ngày càng lo ngại sẽ có một cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài vào Xy-ri, phái viên của Liên đoàn A-rập (AL) tại Nga đã có phát biểu trấn an rằng, các nhóm đối lập ở Xy-ri cũng như các cường quốc đều không muốn can thiệp quân sự vào Xy-ri. Ngày 20-2, trả lời RIA Novosti, phái viên Giu-ma An Phê-ga-ni (Giuma al-Ferjani) khẳng định không ai trong thế giới A-rập muốn sử dụng giải pháp can thiệp quân sự. Ông khẳng định, “nhiệm vụ” của AL và cộng đồng quốc tế là tránh mọi hành động can thiệp quân sự và tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Xy-ri.
Quang cảnh Hội nghị khẩn cấp của Hội đồng AL hồi tuần trước. Tại hội nghị này, Tuy-ni-di đề xuất tổ chức hội nghị “Nhóm những người bạn của Xy-ri” tại Tuy-nít. Ảnh: AFP |
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Ma-tin Đem-pxi (Martin Dempsey) cảnh báo, việc can thiệp vào Xy-ri là “rất khó”. Ông cũng cho rằng, còn quá sớm để vũ trang cho lực lượng đối lập ở Xy-ri vào thời điểm hiện nay. Theo CNN, tướng Ma-tin Đem-pxi nói rằng, đối với Xy-ri, Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn là trường hợp Li-bi. Những thách thức an ninh tại Xy-ri xét về địa lý và quân sự đều rất khác so với những thách thức tại Li-bi. Tướng Đem-pxi cho biết, Xy-ri có hệ thống phòng không hiện đại và đồng bộ. Ông thừa nhận, tìm kiếm sự đồng thuận quốc tế trong vấn đề Xy-ri là hướng đi thích hợp, hơn là đưa quyết định hành động đơn phương.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế vẫn nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Xy-ri. Dự kiến, cuối tuần này, hội nghị quốc tế “Những người bạn của Xy-ri” sẽ diễn ra và đây được cho sẽ là nơi để các nước A-rập và phương Tây gia tăng sức ép đối với chính quyền Xy-ri của Tổng thống An Át-xát. Theo AFP, ngày 21-2, Nga tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị nhằm tìm kiếm sự thay đổi chính trị tại Xy-ri này vì Nga cho rằng, hội nghị này chỉ ủng hộ lập trường của phe đối lập tại Xy-ri. Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, Nga cho rằng, hội nghị tại Tuy-nít sẽ không thể cải thiện đối thoại giữa chính phủ của ông An Át-xát với phe đối lập theo hướng chấm dứt bạo lực kéo dài 11 tháng qua. Tuyên bố còn cho biết, lời mời tham dự hội nghị ở Tuy-nít chỉ được gửi tới một số bộ phận của phe đối lập, song các đại diện của chính phủ Xy-ri lại không được mời. Bộ Ngoại giao Nga đề xuất các thành viên HĐBA nên đề nghị Tổng thư ký LHQ cử đặc phái viên tới Xy-ri để thương thuyết với chính quyền Xy-ri và tất cả các đảng phái khác nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới đây.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc đã nhận được lời mời tham dự hội nghị, nhưng không đề cập đến việc Trung Quốc có tham dự hay không. Người phát ngôn Hồng Lỗi chỉ cho biết, Trung Quốc đang nghiên cứu về chức năng, cơ chế hoạt động và các khía cạnh khác của hội nghị này.
“Nhóm những người bạn của Xy-ri” được thành lập nhằm đáp trả lại việc Nga và Trung Quốc phủ quyết một dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ lên án Tổng thống An Át-xát về tình trạng bạo lực tại Xy-ri. Nhóm này được sự ủng hộ của Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU) và một số nước A-rập. Tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng AL vào tuần trước, Tuy-ni-di đã đề xuất sáng kiến tổ chức hội nghị đầu tiên của nhóm này tại thủ đô Tuy-nít của Tuy-ni-di.
Theo: qdnd.vn