Người lao động Hy Lạp tuần hành phản đối biện pháp kinh tế khắc khổ. |
Ngay sau khi Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone thông qua gói cứu trợ thứ hai cho "xứ sở thần thoại", Thủ tướng Hy Lạp Lu-cát Pa-pa-đê-mốt đã cảnh báo rằng, nước ông còn nhiều việc phải làm để có thể chính thức được nhận gói cứu trợ mới, dự kiến vào đầu tháng 3. Hy Lạp gấp rút hoàn thành các công việc lớn, như sửa đổi Hiến pháp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 4 tới.
Ngày 22-2, Công ty đánh giá tín nhiệm Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống hai nấc, từ mức CCC xuống còn C, đồng thời nhận định khả năng nước này bị vỡ nợ trong "thời gian ngắn" tới là rất cao. Trong khi đó, làn sóng phản đối chính phủ chấp nhận các điều khoản "thắt lưng buộc bụng", trong đó có việc cắt giảm lương, lương hưu và việc làm để nhận gói cứu trợ thứ hai vẫn tiếp tục dâng cao trên khắp đất nước.
Phân tích về "căn bệnh nợ công" của Hy Lạp, trang mạng điện tử của báo Tấm gương (Ðức) ngày 22-2 đã đăng những ý kiến và nhận định của các chuyên gia kinh tế và tài chính, cho rằng họ hoài nghi về hiệu quả của phương thuốc "nhồi thêm tiền" cho Hy Lạp. Ông U-vê Xtrai-sơ, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng LBBW nhận xét: Trên thực tế, gói cứu trợ mới làm cho các chủ nợ thiệt hại nhiều hơn. Các chủ nợ tư nhân phải xóa nợ 53,5% thay vì mức 50% như tính toán ban đầu. Các ngân hàng phải đổi các khoản nợ cũ sang khoản nợ mới trong khi lãi suất giảm một điểm % và thời gian trả nợ dài hơn. Ông Cram-me, nhà kinh tế học của Ngân hàng Thương mại Ðức, cho rằng, gói cứu trợ mới không làm thay đổi những khoản thiếu hụt về cơ cấu thể chế đang đe dọa phá sản đất nước này. Nếu không cải cách sâu sắc cơ cấu, A-ten không thể gánh nổi khoản nợ của mình. Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, ông Tô-mát Mi-râu khẳng định, việc giải cứu Hy Lạp là cực kỳ khó khăn và phức tạp. Ngay cả bộ ba EU, IMF và ECB đã tỏ ra hoài nghi về bài thuốc này. Nếu Hy Lạp mất khả năng trả nợ thì đất nước này rơi vào hỗn loạn và gây ra hậu quả nặng nề cho hệ thống tài chính quốc tế.
Báo Pháp Le Nouvel Observateur có bài phân tích nguyên nhân của thất bại trong chính sách cứu giúp Hy Lạp. Bài báo viết: Theo sát từng nhịp thở của Hy Lạp từ năm 2010, nhưng EU, ECB và IMF chẳng những chưa thể chặn được cơn khủng hoảng, mà còn đẩy xã hội nước này vào cảnh bất an. Ðể cứu Hy Lạp, bộ ba này đã áp đặt cho chính phủ A-ten nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng đến mức nghẹt thở và đẩy A-ten vào vòng luẩn quẩn: suy thoái - thất nghiệp - thâm hụt ngân sách. Năm 2008, nợ công của Hy Lạp là 263 tỷ ơ-rô, thế nhưng năm 2011 lên đến 355 tỷ ơ-rô, GDP giảm từ 233 tỷ ơ-rô xuống còn 218 tỷ ơ-rô, tỷ lệ người thất nghiệp tăng từ 8% lên 18%.
Căn bệnh của Hy Lạp càng chữa càng nặng. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cứu hộ đã được quyết định quá trễ và mức cứu trợ còn quá thấp. Vào năm 2010, khi các nước châu Âu hối hả nhóm họp thì tình hình Hy Lạp đã quá nghiêm trọng. Theo nguyên tắc, thường thì IMF phải can thiệp lập tức khi nợ công ở mức 44,3% GDP, thế nhưng năm 2010 nợ công Hy Lạp đã bằng 126,8% GDP. EU và IMF đã quyết định cấp gói cứu trợ trị giá 110 tỷ ơ-rô cho Hy Lạp, nhưng số tiền này chỉ đủ để Hy Lạp cầm cự với nợ công, còn để vực dậy nền kinh tế thì đó là một "nhiệm vụ bất khả thi".
Liên quan gói cứu trợ thứ hai mà Hy Lạp đang trông chờ, tờ báo đưa ra viễn cảnh đầy u ám. Bởi lẽ kèm theo gói cứu trợ này là những điều kiện ngặt nghèo dành cho Hy Lạp, trong đó có việc gây sức ép để các chủ nợ tư nhân của Hy Lạp là các ngân hàng hay các công ty bảo hiểm xóa nợ dần cho nhà nước từ 21%, đến 50% rồi 70%. Mục tiêu của bên cứu hộ là muốn giảm nợ công của Hy Lạp từ 160% GDP xuống còn 120% GDP trong năm 2020. Ðể đạt được điều đó, Hy Lạp phải thật sự cải tổ kinh tế một cách sâu rộng để lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, năm 2011, GDP của Hy Lạp lại giảm thêm 6%, còn năm nay thì tình hình cũng không sáng sủa gì hơn.
Trong giai đoạn 2000-2010, lương công nhân tại Hy Lạp đã tăng 54%, mức kỷ lục ở châu Âu. Kể từ khi bộ ba EU, ECB và IMF vào cuộc, tiền công lao động ở nước này đã giảm trung bình 14,3%, riêng công chức là 9% và ngành nhà hàng, khách sạn là 33%. Nếu cắt giảm hơn nữa sẽ gây nhiều hệ lụy chính trị và xã hội.
Theo: nhandan.com.vn