Thủ tướng Nga V.Pu-tin, ứng cử viên tổng thống của đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền. Ảnh RIA-NOVOSTI |
Hôm nay (18-1), Ủy ban Bầu cử trung ương Nga sẽ "chốt" danh sách các ứng cử viên Tổng thống. Các chính đảng có người trong Ðu-ma quốc gia Nga đều cử đại diện tham gia tranh cử Tổng thống lần này, gồm Thủ tướng V.Pu-tin đại diện cho đảng Nước Nga thống nhất (UR), Chủ tịch đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) G.Diu-ga-nốp,Chủ tịch đảng Tự do - Dân chủ Nga (LDPR) V.Gi-ri-nốp-xki và thủ lĩnh đảng Nước Nga Công bằng (SR) X.Mi-rô-nốp. Ðảng Y-a-blô-cô không có ghế tại Ðu-ma quốc gia đã cử Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của đảng là G.Y-a-vlin-xki ra tranh cử. Các ứng cử viên độc lập gồm: tỷ phú M.Prô-khô-rốp, cựu Thị trưởng Vla-đi-vô-xtốc V.Tre-rép-cốp, Tỉnh trưởng I-rơ-cút Ð.Me-den-xép, nhà hoạt động xã hội R.Kha-mi-ép và lãnh đạo đảng Ý chí chưa được phép hoạt động chính thức X.Pê-u-nô-va. Tuy nhiên, ông Y-a-vlin-xki và năm ứng cử viên độc lập đều phải thu thập đủ ít nhất hai triệu chữ ký ủng hộ của cử tri tại ít nhất 40 chủ thể LB Nga trước ngày 18-1 mới có đủ điều kiện chính thức ra tranh cử.
Danh sách ứng cử viên tương đối dài, báo hiệu cuộc đua tranh quyết liệt, nhưng theo các nhà phân tích, kết quả cuộc đua vào Ðiện Crem-li không quá khó dự đoán. Hàng loạt cuộc khảo sát và trưng cầu ý kiến do Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VSIOM), Quỹ Dư luận xã hội Nga vừa công bố đều cho thấy, số người ủng hộ Thủ tướng V.Pu-tin đều vượt quá 50%. Thậm chí, trong ba tuần sau cuộc bầu cử Ðu-ma quốc gia Nga, số người tán thành hoạt động của ông V.Pu-tin tăng từ 51% lên 57%. Trong số các "đối thủ" của ông Pu-tin, nổi bật có Chủ tịch KPRF G.Diu-ga-nốp với uy tín ngày càng tăng cao với 12% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ. Ðối với ông Diu-ga-nốp, cuộc bầu cử tổng thống ngày 4-3 tới là cuộc chạy đua vào Ðiện Crem-li lần thứ tư, trong đó năm 1996, ông giành được đủ phiếu để tranh cử với ông B.En-xin tại vòng hai. Hiện, các ứng cử viên hàng đầu được cử tri Nga tin tưởng nhất là ông Pu-tin, tiếp đến là ông Mét-vê-đép, ông Diu-ga-nốp.
Với những thành tựu lớn về chính trị, kinh tế, ngoại giao mà nước Nga đạt được dưới sự lãnh đạo của "cặp đôi quyền lực Mét-vê-đép - Pu-tin", có thể hiểu vì sao đa số người dân nước này khi được hỏi ý kiến lại bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Pu-tin. Trong năm 2011, Nga đứng vị trí thứ ba thế giới về mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đạt 4,2%, sau Trung Quốc và Ấn Ðộ. Trong thông điệp liên bang cuối năm 2011, Tổng thống Nga Ð.Mét-vê-đép nêu rõ, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đầu tàu thế giới đang chìm ngập trong khó khăn, năm 2011, sản lượng công nghiệp của Nga tăng 4,7%; lượng ngoại tệ và vàng dự trữ vượt 500 tỷ USD; tỷ lệ lạm phát là 6,1% - mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua; thâm hụt ngân sách khoảng 0,8% GDP và nợ nhà nước tương đương 10,4% GDP. Ngành nông nghiệp Nga lấy lại vị trí hàng đầu thế giới, với sản lượng ngũ cốc gần 94 triệu tấn. Số người thất nghiệp trong hai năm qua đã giảm gần hai triệu người và Nga hiện là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, khoảng 6,2 đến 6,5%. Thủ tướng Pu-tin thông báo, chính phủ đã cố gắng thực hiện triệt để các cam kết về xã hội, cải thiện đời sống của người về hưu, quân nhân, nhân viên thuộc lĩnh vực hưởng ngân sách. Việc Nga kết thúc 18 năm đàm phán cam go, chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đáp ứng lợi ích quốc gia của nền kinh tế với GDP lên tới 1,9 nghìn tỷ USD này và góp phần ổn định hệ thống thương mại quốc tế. Quan hệ giữa Nga với các nước được tăng cường. Việc Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn ký Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới được các nhà phân tích đánh giá là một đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an ninh quốc tế. Bên cạnh những thành tựu nổi bật về kinh tế và xã hội, vẫn còn khoảng tối trong bức tranh toàn cảnh LB Nga, như cuộc chiến chống tham nhũng chưa thật quyết liệt, khoảng cách giàu nghèo còn là vấn đề nan giải, số người có thu nhập dưới mức nghèo khổ chiếm 14,3% tổng dân số Nga. Ðó là những thách thức lớn đối với người đứng đầu Ðiện Crem-li trong nhiệm kỳ tới.
Với cương lĩnh tranh cử mới công bố và được trình bày khá thuyết phục tập trung vào những vấn đề nóng của chính sách đối nội và đối ngoại, những vấn đề kinh tế mà nhân dân Nga quan tâm hàng đầu như nhà ở, dịch vụ, tình trạng tội phạm và tham nhũng..., uy tín của ông V.Pu-tin ngày càng được nâng cao ở trong và ngoài nước. Ðiều đó củng cố nhận định của giới phân tích cho rằng, có nhiều khả năng ông Pu-tin sẽ giành được đa số ủng hộ của cử tri để quay lại chiếc ghế quyền lực tại Ðiện Crem-li mà ông từng giữ trong hai nhiệm kỳ liên tục cách đây bốn năm.
Theo: nhandan.com.vn