Mỹ buộc các công ty nước ngoài phải lựa chọn: Hoặc làm ăn với I-ran hoặc làm ăn với Mỹ

07:01, 03/01/2012

Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) vừa ký thành luật các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới nhằm vào Ngân hàng Trung ương và ngành tài chính của I-ran. Áp đặt các biện pháp này chống I-ran, nhưng Oa-sinh-tơn vẫn chưa đủ tự tin để khẳng định chúng có gây tổn hại cho chính an ninh quốc gia Mỹ hay không. 

Các biện pháp trừng phạt trên nằm trong một dự luật quốc phòng trị giá 662 tỷ USD mà các quan chức nói rằng, ông Ô-ba-ma đã ký thông qua dù lo ngại nó có thể khiến nỗ lực xây dựng một mặt trận quốc tế chống Tê-hê-ran trở nên phức tạp hơn. Theo dự luật vừa được ký, các công ty nước ngoài phải lựa chọn: Hoặc là làm ăn với ngành dầu mỏ và tài chính của I-ran, hoặc làm ăn với nền kinh tế và tài chính hùng mạnh của nước Mỹ. Và các ngân hàng nước ngoài hợp tác với Ngân hàng Trung ương I-ran trong các giao dịch dầu mỏ cũng có thể đối mặt với các chế tài tương tự. Dự luật cũng cho phép ông Ô-ba-ma có quyền được bãi bỏ nó nếu ông thấy rằng nó ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ.

Hàng hóa nhập khẩu vẫn được bán đa dạng trong các siêu thị ở Tê-hê-ran. Nguồn: www2.ljworld.com
Hàng hóa nhập khẩu vẫn được bán đa dạng trong các siêu thị ở Tê-hê-ran. Nguồn: www2.ljworld.com

Trước đó, dự luật này đã được Quốc hội Mỹ thông qua với đa số phiếu ủng hộ để phản đối chương trình hạt nhân của I-ran. Nhà Trắng cũng đã có các cuộc tranh luận gay gắt với Quốc hội Mỹ về các điều khoản thi hành dự luật này, do lo ngại các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương I-ran có thể gây ra hỗn loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu và đẩy giá dầu mỏ lên cao. 

Việc ông Ô-ba-ma ký thành luật các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với I-ran làm dấy lên quan ngại có thể gây tổn hại tới quan hệ giữa Mỹ với các nước như Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng, Oa-sinh-tơn đã liên hệ với các đối tác nước ngoài của mình để bảo đảm rằng các lệnh trừng phạt này có hiệu lực mà không ảnh hưởng gì tới các thị trường năng lượng toàn cầu, và nhấn mạnh rằng chiến lược của Mỹ trong việc đối phó với I-ran không hề bị thay đổi sau bộ luật trên.

Ông Ô-ba-ma đã ký dự luật này vào thời điểm căng thẳng với I-ran gia tăng sau khi nước này đe dọa phong tỏa Eo biển Hoóc-mút, nơi hơn 1/3 lượng dầu mỏ của thế giới được trung chuyển qua. Phản ứng trước động thái trên, Tổng thống I-ran Ma-mút A-ma-đi-nê-giát (Mahmoud Ahmadinejad) nhấn mạnh, với khả năng của mình, I-ran sẽ đối phó trước các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm buộc I-ran từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Ngân hàng Trung ương I-ran có thể sẽ phải đối mặt với những áp lực mới nhưng họ vẫn có sức mạnh, lòng tin để thành công. Tổng thống I-ran cũng nêu rõ quyết tâm bảo vệ đất nước, bảo vệ mọi người dân của mình, chống lại những can thiệp và âm mưu, áp lực từ bên ngoài. Với giá dầu quốc tế cao hơn 100 USD/thùng, I-ran, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ năm thế giới, đang chứng minh rằng, họ có thể đối phó với các lệnh trừng phạt về tài chính và thương mại của Mỹ và châu Âu. Theo Tổng thống A-ma-đi-nê-giát, đối với I-ran hiện nay, không có vấn đề đặc biệt nào trong lĩnh vực kinh tế. I-ran sẽ nỗ lực để giảm thiểu tác động của lệnh trừng phạt trước đó do phương Tây thực hiện.

Các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên I-ran trong 5 năm qua đã cấm hầu như toàn bộ các hoạt động thương mại giữa Mỹ và I-ran, khiến nhiều công ty vận tải biển phải hủy bỏ dịch vụ vận chuyển tới I-ran và gây khó khăn cho các ngân hàng của I-ran trong việc làm ăn với các ngân hàng phương Tây. Tuy nhiên, điều này dường như đã không thể làm các công ty của I-ran ngừng hoạt động và hàng hóa vẫn được bày bán trên các kệ hàng. Kê-van Ha-rít (Kevan Harris), một chuyên gia về I-ran tại Đại học John Hopkins ở Mỹ cho rằng, “các lệnh trừng phạt không thể ngăn chặn nguồn tiền chảy vào I-ran mà chỉ có thể làm đổi hướng dòng chảy của tiền tệ bằng cách đi qua một bên thứ ba, ví dụ như các ngân hàng nước ngoài không có mối liên hệ với Mỹ”.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com