Khủng hoảng đồng ơ-rô làm nóng Diễn đàn Đa-vốt

08:01, 30/01/2012

Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 42 (WEF-42), gọi tắt là Diễn đàn Đa-vốt 2012, diễn ra tại Đa-vốt (Thụy Sĩ) đã kết thúc ngày 29-1 sau 4 ngày thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc. Một trong những chủ đề làm nóng diễn đàn này chính là cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc khôi phục lại sự ổn định Eurozone vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với kinh tế toàn cầu.

WEF-42 tại Đa-vốt. Ảnh: AP

WEF-42 tại Đa-vốt. Ảnh: AP

Chưa thể giải quyết trong “một sớm một chiều”

WEF năm nay diễn ra trong bối cảnh một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) chìm ngập trong gánh nặng nợ nần, bất ổn xã hội gia tăng. Việc Thủ tướng Đức A.Méc-ken (A.Merkel) đăng đàn ngay trong lễ khai mạc diễn đàn cho thấy, thế giới đã có cách nhìn trực diện và thực tế với những khó khăn hiện nay; đồng thời cũng báo động cho châu Âu phải tăng cường trách nhiệm để nhanh chóng có những hành động hiệu quả nhằm ngăn chặn cơn khủng hoảng có thể nhấn chìm thế giới.

Theo bà Méc-ken, EU dù đang chia sẻ một đồng tiền chung nhưng chưa có cơ cấu chính trị để điều hành công việc chung một cách phù hợp. Thủ tướng Méc-ken cũng thừa nhận rằng, những thiếu sót trong hoạt động của EU đã nảy sinh nhiều năm qua, vì vậy không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Bà cho rằng, EU cần hành động như một chính phủ Trung ương trong Eurozone. Tuy nhiên, để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện nay, cần đến sự đầu tư lớn về tài chính vào quỹ cứu trợ khu vực.

Chia sẻ khó khăn của EU, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Cri-xtin La-gác-đơ (Christine Lagarde) cho rằng, không quốc gia nào tránh khỏi tác động của cuộc khủng hoảng này. Bà La-gác-đơ nói: "Đây không chỉ là cuộc khủng hoảng ở Eurozone. Cuộc khủng hoảng này có những tác động lớn và lan tỏa trên toàn thế giới. Mọi người đều có lợi khi cuộc khủng hoảng này được giải quyết”. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Anh Gioóc O-xbon (George Osborne) đã lên tiếng ca ngợi những nỗ lực của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Eurozone, trong đó có việc huy động các nguồn lực tài chính và tìm cách giảm nợ. Tuy nhiên ông cho rằng, cần phải hành động quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Ông nói: “Thực tế vào thời điểm đầu năm 2012, chúng ta vẫn phải nói về Hy Lạp một lần nữa. Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng vẫn chưa giải quyết xong và điều này sẽ rất nguy hiểm. Nói cách khác, nếu không giải quyết các vấn đề cụ thể một cách triệt để thì nó sẽ gây ra những cú sốc đối với toàn bộ nền kinh tế châu Âu và nền kinh tế thế giới. Tôi cho rằng, thỏa thuận đem lại sự ổn định hơn cho Hy Lạp sẽ là nền tảng đem lại sự ổn định cho Eurozone”.

Theo báo cáo mới nhất của IMF về triển vọng kinh tế thế giới, châu Âu, nhất là Eurozone, sẽ tiếp tục vất vả đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công trong năm nay. Tốc độ tăng GDP thực của Eurozone ước tính chỉ đạt 0,25% trong nửa cuối năm 2011, giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2011. IMF giả sử rằng, nếu các nhà lãnh đạo EU nghiêm túc thực hiện các cam kết xử lý khủng hoảng đưa ra tại các cuộc họp thượng đỉnh vừa qua, tốc độ tăng GDP của khu vực này dự báo sẽ khá hơn ở mức hơn 1% cho cả năm 2012.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu

Nếu như các cường quốc kinh tế đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế thì tại hội nghị lần này, các nền kinh tế mới nổi đang tạo nên nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Theo thống kê của IMF, tính theo tỷ lệ sức mua, GDP của các nền kinh tế mới nổi đã đạt 49% tổng GDP toàn cầu. Như vậy, giữa các nền kinh tế phát triển đang có GDP gần bằng với các nền kinh tế mới nổi. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Rô-bớt Dô-ê-lích (Robert Zoellick) nhận định, “những thay đổi lớn" đã xuất hiện khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp diễn, không chỉ ở những con số kinh tế, mà còn ở nhận thức và quan điểm. “Trong nền kinh tế thế giới hiện nay, các thị trường mới nổi không còn trông chờ các nước phát triển cùng hành động nữa mà họ đang "tự thân vận động" theo cách của mình”. Nhà lãnh đạo WB nhấn mạnh, "sự chán nản và mệt mỏi đã bắt đầu len lỏi vào hệ thống chính trị" và ông kêu gọi phải tin tưởng vào nền kinh tế vì còn "rất nhiều vốn để đầu tư" và "rất nhiều khả năng". Tuy nhiên, Chủ tịch Dô-ê-lích cũng cảnh báo, "một số người theo chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, luôn quan ngại về khả năng đầu tư đang tấn công vào lòng tin và tạo ra nguy cơ làm tê liệt nền kinh tế.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com