Cuộc chiến ngầm chống I-ran?

08:01, 13/01/2012

Vụ nhà khoa học hạt nhân I-ran Mốt-xta-pha A-ma-đi Rô-san (Mostafa Ahmadi Roshan) bị ám sát mới đây khiến dư luận lo ngại đang có một cuộc chiến ngầm chống lại Nhà nước Hồi giáo nhằm buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân bị nghi ngại.

Chiếc ô tô bị hư hỏng sau vụ đánh bom ám sát nhà khoa học Rô-san. Ảnh: Roi-tơ
Chiếc ô tô bị hư hỏng sau vụ đánh bom ám sát nhà khoa học Rô-san. Ảnh: Roi-tơ

Nhưng lo ngại này không phải hoàn toàn không có cơ sở vì vụ sát hại nhà khoa học Rô-san cũng như các vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân khác của I-ran trước đó kể từ năm 2007, xảy ra sau một loạt vụ phá hoại ngầm nhằm vào các cơ sở hạt nhân của I-ran, bao gồm các vụ lây nhiễm vi-rút cho hệ thống máy vi tính của nhà máy hạt nhân, rồi một số vụ nổ bí ẩn ở các cơ sở hạt nhân bị tình nghi chế tạo tên lửa hồi năm 2010.

Những hoạt động phá hoại ngầm này được cho là đã gây cản trở đáng kể cho chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của I-ran. Vụ lây nhiễm vi rút máy vi tính Stuxnet hồi năm 2010 ở một cơ sở hạt nhân của I-ran đã làm tê liệt khoảng 1/5 số máy ly tâm được dùng để làm giàu u-ra-ni ở cơ sở này. Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân I-ran được cho là sẽ làm nản chí những người I-ran cũng như các chuyên gia hạt nhân làm việc trong lĩnh vực này. Ông Bru-nô Tơ-trai (Bruno Tertrais) thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược của Pháp cho rằng: “Chắc chắn vụ việc sẽ có tác động tâm lý đối với các nhà khoa học đang làm việc trong chương trình hạt nhân của I-ran”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh I-ran đã bày tỏ sẵn sàng quay lại bàn đàm phán hạt nhân hồi tháng trước, thì diễn biến bạo lực mới trên đây cũng có thể nằm trong âm mưu nhằm ngăn chặn I-ran ngồi vào bàn thương lượng với phương Tây và châu Âu. Hoặc không loại trừ khả năng đây là động thái của một bên nào đó nhằm cải thiện vị thế mặc cả của mình trên bàn đàm phán. Thậm chí, có cáo buộc cho rằng, chính Tê-hê-ran đã ra tay hành động nhằm loại bỏ những nhà hạt nhân I-ran có cảm tình với phe đối lập ở I-ran.

Như vậy, có nhiều nghi ngờ xung quanh cái chết của nhà khoa học Rô-san nên chưa thể khẳng định chắc chắn ai là thủ phạm thực sự. Tuy nhiên, I-ran đã nhanh chóng cáo buộc Mỹ và I-xra-en đứng đằng sau vụ giết hại được tiến hành theo kiểu khủng bố này. Một kẻ đi xe gắn máy đã gắn quả bom từ vào bên cạnh chiếc xe ô tô chở nhà khoa học Rô-san khiến ông thiệt mạng sau khi quả bom phát nổ. I-ran tuyên bố có bằng chứng xác thực rằng các phần tử nước ngoài đứng đằng sau vụ ám sát các chuyên gia hạt nhân I-ran, đồng thời yêu cầu HĐBA LHQ lên án các vụ tấn công này. Đại sứ I-ran tại LHQ Mô-ha-mát Kha-da-ê (Mohammad Khazaee) đã gửi một loạt thư tới Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun, HĐBA và Đại hội đồng LHQ, trong đó lên án các vụ ám sát này là “dã man, vô nhân tính và tội ác khủng bố”. Theo ông Kha-da-ê, các hành động kiểu khủng bố này là một phần trong các nỗ lực nhằm phá hoại chương trình hạt nhân hòa bình do nhận thức sai lầm rằng biện pháp ngoại giao đơn thuần không đủ để đạt được mục đích.

Tuy nhiên, Mỹ và I-xra-en đã bác bỏ mọi cáo buộc họ nhúng tay vào vụ việc. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Tôm-mi Vi-ê-tô (Tommy Vietor) khẳng định, Mỹ không liên quan gì tới vụ việc và lên án mạnh mẽ mọi hành vi bạo lực như vậy.

I-xra-en và I-ran là hai quốc gia láng giềng thù địch, không đội trời chung trong khu vực. Tình báo I-xra-en cũng được biết tới từng thực hiện các phi vụ ám sát đối phương ở nước ngoài. Trong khi đó, I-ran cũng là “cái gai” trong mắt của Mỹ cần loại bỏ bởi Oa-sinh-tơn cho rằng, I-ran đang theo đuổi tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân. Theo các quan chức tình báo đương chức và đã nghỉ hưu của Mỹ, Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) của Mỹ đã nhiều lần cố gắng làm “trật bánh” chương trình làm giàu u-ra-ni của I-ran bằng các công cụ ngầm, bao gồm việc tuồn những phần đã bị phá hoại vào dây chuyền cung ứng của I-ran. Các điệp viên CIA cũng được cho là đã lôi kéo một số nhà khoa học hạt nhân I-ran phản bội đất nước và đào tẩu ra nước ngoài.

Mối thù địch cùng những nghi kỵ giữa I-ran với I-xra-en và Mỹ đã đẩy các nước này vào tình trạng căng thẳng thường trực. I-ran thường cáo buộc hai đồng minh Mỹ và I-xra-en cấu kết và hợp tác với nhau trong các hoạt động chống phá Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, tình trạng đối đầu này vẫn hoàn toàn bế tắc vì Tê-hê-ran luôn cứng rắn trước mọi sức ép của đối phương. Trong vụ việc mới nhất ở trên, I-ran đã tuyên bố sẽ không từ bỏ quyền được sử dụng năng lượng hạt nhân vì những mục đích hòa bình, đồng thời khẳng định bất cứ một sức ép kinh tế hay chính trị nào nhằm vào nước này cũng như các cuộc tấn công khủng bố đối với các chuyên gia hạt nhân sẽ không thể ngăn quốc gia Hồi giáo thực hiện quyền của mình.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com