"Cuộc chiến khí đốt" lại bùng nổ giữa Nga và U-crai-na

08:01, 13/01/2012

“Cuộc chiến khí đốt” giữa Nga và U-crai-na lại có nguy cơ bùng nổ sau khi Ki-ép tuyên bố năm 2012 sẽ giảm hơn một nửa lượng “nhiên liệu xanh” mua của Mát-xcơ-va, từ mức 52 tỷ mét khối xuống còn 27 tỷ mét khối, trong khi phía Nga khẳng định, U-crai-na vẫn phải thanh toán số tiền của lượng khí đốt như đã thỏa thuận từ trước.

Hợp đồng mua - bán khí đốt ký năm 2009 và có giá trị 10 năm giữa U-crai-na và Nga quy định hằng năm Ki-ép phải trả cho Mát-xcơ-va tối thiểu số tiền của 33 tỷ mét khối "nhiên liệu xanh" bất kể khối lượng khí đốt nhận được trong năm là bao nhiêu. Đến nay, U-crai-na trung bình nhập từ Nga khoảng 40 tỷ mét khối khí đốt/năm. Trong trường hợp có thay đổi, hai bên phải thông báo cho nhau trước 6 tháng.

Tuy nhiên, chiều 11-1, Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than U-crai-na, ông Y-u-ri Bôi-cô (Yuri Boiko) đã bất ngờ thông báo, năm nay U-crai-na chỉ mua của Nga 27 tỷ mét khối khí đốt. Đáp lại thông báo này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghiệp khí đốt Nga Gazprom, ông A-lếch-xây Mi-lơ (Aleksey Miller) khẳng định, U-crai-na sẽ vẫn phải thanh toán số tiền của 33 tỷ mét khối khí đốt như đã thỏa thuận dù chỉ mua 27 tỷ mét khối.

Công nhân vận hành đường ống dẫn khí đốt của Nga cung cấp cho U-crai-na. Ảnh: AP
Công nhân vận hành đường ống dẫn khí đốt của Nga
cung cấp cho U-crai-na. Ảnh: AP

U-crai-na giải thích, nước này buộc phải giảm lượng khí đốt mua của Nga do giá mua "nhiên liệu xanh" năm nay bị phía Nga quy định quá cao, khoảng 410USD/1000m3, cao hơn nhiều so với giá khí đốt mà Nga bán cho Bê-la-rút là 164USD/1000m3. Thủ tướng U-crai-na N.A-da-rốp (N.Azarov) hồi cuối tháng 12 cho rằng, hiện Nga đang bán khí đốt cho nước này với mức giá “cắt cổ”, không phù hợp với tinh thần đối tác chiến lược giữa Ki-ép và Mát-xcơ-va. Theo ông A-da-rốp, nếu không tính phần giảm giá mà U-crai-na nhận được nhờ việc gia hạn đồn trú cho Hạm đội Biển Đen của Nga tại Crưm đến năm 2042, thì hiện Ki-ép đang phải mua khí đốt với mức giá 516USD/1000m3 giao tại biên giới. Trong khi đó, Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích (Yanukovich) cho rằng vào thời điểm này, mức giá hợp lý chỉ trong khoảng 250USD/1000m3. U-crai-na phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt nhập khẩu của Nga và trong hơn một năm qua đang nỗ lực đàm phán về một mức giá thấp hơn, nhưng đến nay không mang lại kết quả rõ rệt nào. Ông A-da-rốp thậm chí cho biết, thông qua các cuộc đàm phán, U-crai-na sẽ tiếp tục yêu cầu Nga giảm giá khí đốt, tuy nhiên, nếu không tìm được tiếng nói chung thì "U-crai-na sẵn sàng đưa tranh chấp này ra tòa án quốc tế để phân xử".

Nga cam kết sẽ xem xét giảm giá bán khí đốt cho U-crai-na với điều kiện Ki-ép phải giảm giá cho thuê Hệ thống vận chuyển khí đốt U-crai-na (GTS) hiện ở mức 20 tỷ USD. Mát-xcơ-va coi đây là cái giá "cao ngất ngưởng", chưa kể số tiền khoảng 7-8 tỷ ơ-rô mà Nga và Liên minh châu Âu (EU) phải bỏ ra để nâng cấp GTS. Ngoài ra, Nga cũng đòi phía U-crai-na giảm giá trung chuyển quá cảnh khí đốt của Nga sang châu Âu.

Đây không phải lần đầu Nga và U-crai-na tranh cãi về giá mua - bán khí đốt. Còn nhớ vụ tranh cãi năm 2009 đã từng làm gián đoạn nguồn cung khí đốt tới nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) giữa mùa đông giá rét, bởi 80% xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU phải quá cảnh qua U-crai-na. Cũng từ sau vụ việc đó, Nga và U-crai-na nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào nhau. Ki-ép đã lên kế hoạch giảm dần khoảng 1/3 lượng khí đốt mua của Nga trong vòng 5 năm tới, từ 40 tỷ mét khối xuống còn 12 tỷ mét khối, bằng cách tăng mức khai thác trong nước, nhằm giảm áp lực cho nền kinh tế. Từ cuối tháng 7-2011, Ki-ép cũng quyết định vay tiền từ các ngân hàng châu Âu nâng cấp hệ thống vận chuyển khí đốt của nước này để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Còn Nga cũng đang khẩn trương hoàn tất để đưa vào sử dụng hệ thống đường ống khí đốt North Stream đi ngầm từ Nga qua biển Ban-tích sang Đức mà không quá cảnh qua bất cứ nước nào. Tuy vậy, những dự án trên còn đang trong giai đoạn hoàn thiện, đồng nghĩa với việc Nga và U-crai-na trong thời gian tới vẫn phải phụ thuộc vào nhau. 

"Cuộc chiến khí đốt" giữa Nga và U-crai-na nảy sinh trong bối cảnh ngày 15-1 tới, hai bên dự định bắt đầu vòng đàm phán mới về giá mua - bán nhiên liệu này và triển vọng nâng cấp GTS. Tuy vậy, dư luận đánh giá chưa thấy "chút ánh sáng cuối đường hầm" cho cuộc xung đột này do hai bên vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm của mình trong vấn đề hợp tác liên quan đến "nhiên liệu xanh".

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com