Ở Kharkov (Ukraina) từ những năm 1960 đã có những người Việt Nam đầu tiên tìm sang học tập và làm việc. Vấn đề hội nhập của công nhân Việt Nam vào xã hội Liên Xô lúc ấy luôn luôn được chính quyền nước bạn hết sức quan tâm. Họ được bố trí cho sống quy tụ trong các "ốp” (ký túc xá) của các nhà máy theo chế độ tự quản. Ai cũng được học qua một khóa tiếng Nga, được các giáo dục viên và các thợ cả tận tình giúp đỡ.
Thầy cô giáo cùng các bạn sinh viên Việt Nam và Ukraina ở Kharkov. Ảnh: Internet |
Hơn 30 năm qua, những người Việt ở Kharkov đã xây dựng được hình ảnh người Việt Nam trong ý thức của người dân địa phương: vừa cần cù, chăm chỉ, thật thà, tốt bụng, vừa có truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết tôn trọng luật pháp. Trong một khoảng thời gian dài, người dân Kharkov đã xem sự có mặt của người Việt Nam ở chợ Barabasova và các KTX là chuyện rất bình thường, cũng như sự có mặt của các cộng đồng dân tộc khác ở thành phố đa sắc tộc này. Trên cơ sở đó mà cộng đồng Việt có được mối quan hệ khá tốt đẹp với người dân và chính quyền địa phương. Việc cấp thẻ định cư cho đa số bà con người Việt không chỉ khẳng định sự cư trú của cộng đồng Việt Nam trên đất nước Ukraina là hợp pháp, mà còn nói lên rằng xã hội và người dân Ucraina đã tiếp nhận cộng đồng người Việt vào xã hội của họ giống như là một dân tộc thiểu số ở Kharkov.
Ông Nguyễn Văn Quynh - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, nói thêm: "Trong hơn 30 năm qua - bà con người Việt ở Kharkov thường sinh sống trong các KTX, mãi đến những năm gần đây khi có điều kiện thì mới mua nhà riêng để ở. Tuy đã có nhà riêng nhưng thực ra họ vẫn quy tụ trong một vài "đôm”, hay trong "làng chung cư Thời Đại”. Cuộc sống cộng đồng trong KTX qua nhiều thập kỷ dần dần sản sinh ra một nền văn hóa cộng đồng mà người ta hay gọi nôm na là "văn hóa KTX Việt Nam”. Nét văn hóa này có một số đặc trưng tiêu biểu: các gia đình cùng sống trong một "đôm” hoặc một "ốp” trên cơ sở tự quản, khép kín. Ở đây, các gia đình Việt Nam rất đoàn kết, cùng bảo ban nhau làm ăn, nuôi dạy con cái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, cùng nhau lo việc chung... Trong KTX, các gia đình Việt Nam vẫn giữ gìn được những phong tục tập quán Việt đặc trưng. Trẻ em được thầy cô dạy tiếng Việt, nói tiếng Việt, được giáo dục theo tinh thần hướng Việt. Có thể nói "văn hóa KTX Việt Nam” giống như nếp văn hóa của một ngôi làng ở quê nhà, tồn tại tương đối độc lập trên đất nước bạn”.
Theo số liệu thống kê của chính quyền địa phương, hiện tại tỉnh Kharkov có khoảng 5-6 nghìn nhân khẩu người Việt (đông nhất ở Ukraina), sinh sống chủ yếu bằng nghề kinh doanh ở TTTM Barabasova, một số ít khác đảm trách các nghề dịch vụ. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu trong năm 2011 như cơn bão tàn phá nền kinh tế của những người kinh doanh nhỏ lẻ. Thu nhập bình quân của người dân, theo ước tính, sụt giảm chừng 3-4 lần so với trước khủng hoảng. Trong khi đó, giá cả sinh hoạt, các loại thuế má... gia tăng vùn vụt. Rồi hộ khẩu, thẻ định cư… bao nhiêu khó khăn ập xuống. Đầu tư của bà con vào nhà cửa, cửa hàng, bất động sản trượt giá, vốn liếng teo tóp, nợ ngân hàng không trả được... Vẫn chưa hết, điều khó khăn nhất trong năm nay là hàng hóa không bán được, khó thu hồi vốn. Doanh thu và lợi nhuận vì vậy cứ sụt giảm không ngừng. Trong hoàn cảnh ấy, vấn đề công ăn việc làm của bà con càng trở nên lao đao. Khó khăn trong vấn đề việc làm của cộng đồng còn thể hiện ở một điểm nữa đó là một số lượng khá lớn lao động Việt Nam chuyển sang làm nghề bán hàng rong ngoài chợ (với nhiều mặt hàng như cơm suất, quần áo, nhu yếu phẩm, bánh trái, băng đĩa...). Số khác làm nghề xây dựng, trang trí nội thất hoặc ở nhà trồng rau. Nếu Xuân 2010 thời gian này không ít nhà đã thu xếp khăn gói chuẩn bị về nước nghỉ phép, vui chơi cùng người thân thì năm nay số người mua vé một chiều về quê hương đang tăng lên đáng kể.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng để cộng đồng người Việt Nam có một chỗ đứng thật vững chắc trên đất Kharkov thì việc đầu tiên phải nghĩ đến là làm thế nào để chúng ta hòa nhập được vào cuộc sống của xã hội người dân nước sở tại./.
Theo: cpv.org.vn