Theo AFP, ngày 3-1 các nhà thương lượng Pa-le-xtin và I-xra-en đã họp ở Am-man, thủ đô Gioóc-đa-ni với sự tham dự của phái viên nhóm Bộ Tứ Tô-ni Ble (Tony Blair) cùng các đại diện của EU, Nga, LHQ và Mỹ. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Trưởng đoàn đàm phán Pa-le-xtin Xa-ép Ê-ra-cát (Saeb Erakat) và người đồng cấp I-xra-en Ít-dắc Môn-xô (Yitzhak Molcho) sau 16 tháng bị gián đoạn. Cuộc gặp này được coi là một tín hiệu tích cực, giúp mở ra hy vọng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đã bị “đóng băng” giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Đây cũng được coi là cơ hội cho cả Pa-le-xtin và I-xra-en mà cả hai cần nắm lấy để tìm được tiếng nói chung sau “cả núi” bất đồng.
Trưởng đoàn đàm phán Pa-le-xtin Xa-ép Ê-ra-cát (bên trái) và người đồng cấp I-xra-en Ít-dắc Môn-xô. Ảnh:AFP |
Tuy nhiên, không có quá nhiều hy vọng. Bởi cả Pa-le-xtin và I-xra-en đều khẳng định các cuộc đàm phán đầy đủ vẫn đang trong quá trình định hướng. Phó thủ tướng I-xra-en Đan Me-ri-đo (Dan Meridor) đã dè dặt nhận định rằng, cuộc gặp trên không tự nó tạo ra sự trở lại của các cuộc đàm phán trực tiếp, nhưng ông hy vọng đây sẽ là “bàn đạp” cho các cuộc thương lượng. Ông Ê-ra-cát cũng có chung quan điểm khi nói: “Cuộc gặp này sẽ thảo luận về khả năng tạo ra một bước đột phá có thể dẫn tới việc khôi phục đàm phán. Vì thế, nó sẽ không đánh dấu việc khôi phục các cuộc thương lượng”. Trưởng đoàn đàm phán Pa-le-xtin coi đây là cơ hội giá trị cho hòa bình và I-xra-en không nên để lãng phí.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Gioóc-đa-ni cho biết, cuộc gặp “không đồng nghĩa với việc đàm phán được nối lại” mà mục đích là nhằm thực hiện những nỗ lực nghiêm túc hơn để tái khởi động đàm phán dựa trên việc I-xra-en thực hiện các nghĩa vụ của họ là ngừng hoạt động định cư và công nhận các đường biên giới năm 1967 là cơ sở của đàm phán.
Pa-le-xtin cũng đã có những chuẩn bị trong trường hợp cuộc gặp kết thúc mà không có tiến triển nào. Một ủy ban bao gồm các quan chức thuộc ban lãnh đạo Pa-le-xtin sẽ xem xét các lựa chọn có thể và trình các kiến nghị lên Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát (Mahmud Abbas) trong vài ngày tới.
Cách đây ít ngày, Ban lãnh đạo Tổ chức giải phóng Pa-le-xtin (PLO) đã quyết định sẽ tiếp tục tác động lên HĐBA LHQ và Liên đoàn A-rập nhằm buộc I-xra-en chấm dứt xây dựng các khu nhà định cư mới trên đất chiếm đóng. I-xra-en mới đây đã đưa ra nhiều thông báo xây dựng nhà định cư mới, động thái bị cộng đồng quốc tế lên án, nhằm ngăn cản việc nối lại đàm phán hòa bình trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin.
Hy vọng đàm phán trực tiếp giữa Pa-le-xtin và I-xra-en sẽ được tái khởi động vì thế càng mong manh. Nhất là khi Tổng thống Áp-bát đã kiên quyết lập trường sẽ không thương lượng nếu I-xra-en không ngừng việc xây dựng các khu định cư Do thái trên lãnh thổ Pa-le-xtin. Việc I-xra-en xây dựng các khu định cư ở Đông Giê-ru-xa-lem và Bờ Tây là một trong những vấn đề gai góc nhất trong giải quyết cuộc xung đột đôi bên, từng phá hỏng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên được khởi động tháng 9-2010.
Mục tiêu đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en vào cuối năm 2012 được đặt ra có thể là quá vội vàng trong bối cảnh các bên đều không đặt quá nhiều hy vọng. Tổng thư ký PLO Y-a-xơ A-bét Ráp-pô (Yasser Abed Rabbo) đã tuyên bố tối hậu thư của Nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông, yêu cầu nối lại hòa đàm giữa I-xra-en và Pa-le-xtin chậm nhất vào ngày 26-1 tới sẽ có thể là cơ hội cuối cùng để khôi phục tiến trình hòa bình. Ông tuyên bố: “Chúng tôi không nuôi quá nhiều hy vọng. Chính các thành viên của Nhóm Bộ Tứ cũng không trông đợi những kết quả tích cực liên quan tới việc tái khởi động đàm phán”.
Theo: qdnd.vn