Theo Defencenews, Lầu Năm Góc có kế hoạch ngày 5-1 công bố chiến lược quốc phòng bao quát của Mỹ được cho là sẽ định hình quân đội Mỹ trong thập niên tới nhằm đối phó với các thách thức hiện tại và tương lai. Sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma cùng các giới chức quân sự hàng đầu của Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) và Tướng Ma-tin Đem-pxi (Martin Dempsey), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân tại cuộc họp báo công bố chiến lược đã cho thấy tầm quan trọng của chiến lược quốc phòng mới có điều chỉnh này của Mỹ.
Lính Mỹ tại I-rắc lên máy bay rút quân về nước. Ảnh: AFP |
Nguồn tin rò rỉ từ các giới chức Mỹ trước khi bản chiến lược được công bố cho biết, thay đổi lớn nhất trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ là việc Oa-sinh-tơn thừa nhận không thể duy trì cùng lúc bộ binh chiến đấu trong hơn một cuộc chiến lớn, xa rời chiến lược “cùng thắng” trong cả hai cuộc chiến tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan vốn chi phối các quyết định về ngân sách của Lầu Năm Góc trong nhiều thập kỷ qua. Oa-sinh-tơn cho rằng, việc chuyển sang kế hoạch “thắng-hòa” sẽ cho phép lực lượng Mỹ chiến đấu trên một mặt trận trong khi tìm cách ngừng hoặc hòa hoãn trên mặt trận khác.
Chiến lược quốc phòng điều chỉnh xác định lại các ưu tiên quốc phòng của Mỹ, trong đó chú trọng hơn tới châu Á. Chiến lược này sẽ tập trung xây dựng một lực lượng tinh nhuệ và gọn nhẹ, mở rộng vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á trong khi vẫn duy trì sự hiện diện hải quân mạnh ở khu vực Trung Đông.
Về cách thức quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Thái Bình Dương, chiến lược đề cập tới việc phối hợp chặt chẽ hai binh chủng hải quân và không quân trong chiến thuật mới “không chiến-hải chiến”. Kế hoạch này kết hợp những thế mạnh của hải quân và không quân Mỹ để thực hiện các cuộc tấn công từ xa. Muốn vậy, hai lực lượng này phải được trang bị máy bay ném bom, tên lửa hành trình cũng như máy bay không người lái mới được phóng đi từ tàu sân bay. Hiện Hải quân Mỹ đang tăng cường phát triển các loại tàu ngầm không người lái và máy bay không người lái với tầm hoạt động cực rộng, có khả năng cất cánh từ tàu sân bay. Tất cả những nhu cầu trên đòi hỏi ngân sách tương đối lớn, và hải quân và không quân Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng do nhu cầu thắt lưng buộc bụng chung.
Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ cũng thông báo kế hoạch ngân sách 2013 của Lầu Năm Góc. Kế hoạch này dự kiến được trình Quốc hội vào đầu tháng 2 tới. Theo đó, trong vòng 5 năm tới có thể Mỹ sẽ cắt giảm 260 tỷ USD chi tiêu quốc phòng. Nhìn chung, Lầu Năm Góc dự kiến cắt giảm hơn 450 tỷ USD trong 10 năm tới để giảm thâm hụt ngân sách.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Giay Ca-ni (Jay Carney) tiết lộ, Tổng thống Ô-ba-ma quan tâm sâu sắc tới quá trình hình thành bản chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Đích thân ông Ô-ba-ma đã góp phần soạn thảo nên bản chiến lược quốc phòng mới. Ông Ô-ba-ma đã gặp gỡ ông Pa-nét-ta, tướng Đem-pxi cùng các giới chức khác của Lầu Năm Góc tổng cộng 6 lần từ hồi tháng 9 để bàn về chiến lược này. Tháng 12 vừa qua, Tổng thống Ô-ba-ma đã triệu tập tất cả các tư lệnh chiến trường của Mỹ về Nhà Trắng để tham vấn.
Theo: qdnd.vn