Các nước châu Á có truyền thống đón Tết theo âm lịch. Những nước có đông người châu Á sinh sống cũng rộn ràng một không khí đón Tết vui tươi, tràn đầy hy vọng vào một năm mới 2012 nhiều may mắn và thịnh vượng. Bởi năm 2012 là năm con rồng, con vật linh thiêng được coi là biểu tượng cho sức mạnh, may mắn và sự sung túc theo quan niệm truyền thống của nhiều nước châu Á.
Tại Trung Quốc, đâu đâu người ta cũng bắt gặp những biểu tượng hình con rồng rực rỡ sắc màu. Các đường phố ngập tràn sắc đèn lồng đỏ, câu đối vốn rất phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt vào những ngày đón Tết âm lịch. Tại Bắc Kinh đã diễn ra triển lãm băng đăng trưng bày các tác phẩm điêu khắc hình con rồng bằng băng, trong đó có tác phẩm dài tới 42m. Cũng như truyền thống đón Giao thừa hằng năm tại Trung Quốc, người dân Bắc Kinh và nhiều địa phương đổ ra đường xem các màn pháo hoa rực rỡ, đón Giao thừa trong tiết trời lạnh giá, tuyết rơi. Đặc biệt, một biểu tượng hình con rồng vàng khổng lồ được tạo nên bởi 3000 đèn lồng rực sáng trong đêm tối tại một công viên ở Bắc Kinh để chào đón năm Nhâm Thìn.
Xem múa rồng chào đón năm Nhâm Thìn tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Gia-các-ta của In-đô-nê-xi-a. Ảnh: AFP |
Còn tại Hồng Công (Trung Quốc), người dân có phong tục viết những điều ước trong năm mới, dán lên những trái cam rồi treo lên các cành cây ước nguyện truyền thống. Ở Ma Cao (Trung Quốc), ngay từ sáng mồng Một Tết, một đoàn diễu hành dẫn đầu là biểu tượng hình con rồng vàng dài 238m, đi vòng qua các điểm du lịch lớn ở khu hành chính. Đi cùng đoàn diễu hành là các tình nguyện viên trong trang phục thần tài tặng phong bao lì xì cho người dân qua đường và khách du lịch.
Một số nước châu Á có chung một số phong tục trong dịp đón năm mới cổ truyền. Cũng giống như ở Việt Nam, người dân Hàn Quốc nhộn nhịp mua sắm, trang hoàng nhà cửa, đường phố để đón chào năm mới. Đặc biệt, cũng giống như phong tục tắm rửa sạch sẽ vào ngày cuối năm ở Việt Nam, người Hàn Quốc có phong tục tắm nước nóng để tẩy trần trước đêm Giao thừa. Vào những ngày Tết, mọi người hầu như đều mặc Hanbok, trang phục truyền thống của người Hàn Quốc để làm nghi lễ cúng tổ tiên và đi chúc Tết người thân và bạn bè. Người dân Hàn Quốc đón Tết con rồng với rất nhiều hy vọng vào một năm mới thịnh vượng vì theo văn hóa Hàn Quốc, con rồng sẽ đem tới nhiều may mắn nhất.
Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan có cách đón chào năm mới độc đáo với màn trình diễn múa rồng dưới nước. Ba thợ lặn chuyên nghiệp điều khiển một chú rồng dài 5m bơi trong hồ thủy sinh lớn nhất Đông Nam Á ở Băng Cốc. Đây là lần đầu tiên màn múa rồng được diễn ra dưới nước tại Thái Lan. Giám đốc tiếp thị của khu du lịch thủy cung “Siam Ocean World” ở Băng Cốc nói: “Vì con rồng thường gắn với những điều may mắn nên chúng tôi quyết định đánh dấu sự khởi đầu năm mới với màn múa rồng dưới nước. Chúng tôi mong muốn tất cả người dân Thái Lan sẽ có sự khởi đầu may mắn trong năm mới”.
Ma-lai-xi-a cũng đón chào năm mới bằng một lễ hội tưng bừng tại Xa-ba với màn múa rồng dài kỷ lục 94m với sự tham gia của 100 nghệ sĩ. Còn tại Cam-pu-chia, trước Cung điện Hoàng gia cũng diễn ra màn múa rồng đón chào năm mới. Đoàn múa rồng sau đó đã diễu đi khắp các đường phố ở thủ đô Phnôm Pênh đem tới một không khí nhộn nhịp, vui tươi cho người dân thủ đô của đất nước Cam-pu-chia trong dịp năm mới. Trong khi đó, tại In-đô-nê-xi-a lại có truyền thống múa lân trong dịp Tết để cầu chúc cho một năm mới an khang, thịnh vượng. Còn tại Nhật Bản, người dân cũng đổ ra đường đón Giao thừa, thưởng thức bắn pháo hoa và tới chùa cầu nguyện cho một năm mới tốt lành.
Hòa chung không khí đón Tết truyền thống, cộng đồng người châu Á khắp nơi trên thế giới cũng hân hoan tổ chức các hoạt động đón mừng năm mới. Tại thành phố Xao Pau-lô của Bra-xin, nơi được coi là một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất của người châu Á tại Nam Mỹ đã diễn ra lễ hội mừng năm mới kéo dài hai ngày. Lễ hội được bắt đầu với màn múa rồng dài 20m. Hàng nghìn người đã tập trung tại quảng trường chính của Xao Pau-lô được trang hoàng rực rỡ sắc đỏ và vàng để chào đón năm mới. Còn tại thành phố Bu-ê-nốt Ai-rết của Ác-hen-ti-na, một lễ hội ẩm thực đường phố đã diễn ra thu hút hàng nghìn du khách, đặc biệt đối với những người yêu văn hóa châu Á.
Dù không phải là nước có truyền thống đón Tết âm lịch, nhưng với cộng đồng người châu Á ngày càng phát triển, Ô-xtrây-li-a cũng tổ chức đón Tết rất long trọng. Thành phố Xít-ni là nơi diễn ra lễ hội Tết Nhâm Thìn lớn nhất ngoài châu Á. Các hoạt động đón năm mới tại đây bắt đầu với màn múa lân, múa rồng đặc sắc.
Theo: qdnd.vn