"Chảo lửa" lan rộng ở Trung Ðông và Bắc Phi

01:01, 05/01/2012
Khu vực Trung Ðông và Bắc Phi đã trải qua một năm đầy "giông bão". Các cuộc biểu tình ở nhiều quốc gia đã đẩy khu vực này  vào "chảo lửa" xung đột. Ðất nước Li-bi hoang tàn và chia rẽ sau cuộc chiến kéo dài hơn tám tháng. Xy-ri bị quốc tế cô lập. I-rắc chìm trong mâu thuẫn và khủng bố đẫm máu sau khi Mỹ rút quân. Sự đối đầu giữa I-ran và phương Tây làm gia tăng căng thẳng tại khu vực vùng Vịnh.
Biểu tình và xung đột ở Ai Cập.
Biểu tình và xung đột ở Ai Cập.

"Mùa xuân A-rập" nóng bỏng

Ngay từ những tháng đầu năm 2011, các  cuộc biểu tình lan rộng ở hàng loạt quốc gia Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi, Xy-ri, Y-ê-men... đã biến khu vực Trung Ðông và Bắc Phi thành "chảo lửa" xung đột và bất ổn. "Ngòi nổ" đốt cháy "chảo lửa" đó bắt đầu từ vụ một thanh niên bán hàng rong ở Tuy-ni-di tự thiêu để phản đối sự ngược đãi của quan chức địa phương. Người dân nhiều nước xuống đường bày tỏ sự bất bình trước những khó khăn kinh tế, bất công xã hội. Sự phản đối dữ dội đó đã dẫn tới thay đổi quyền lực ở một số quốc gia với sự ra đi của những nhà lãnh đạo lâu năm ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi. Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 1973 về "thiết lập vùng cấm bay" và "bảo vệ dân thường" ở Li-bi, bật đèn xanh cho cuộc can thiệp quân sự của NATO vào đất nước Bắc Phi chỉ có gần bảy triệu dân này. Chiến dịch "Bình minh Ô-đi-xê" của NATO do Pháp, Anh, Mỹ cầm đầu đã tiến hành nhiều trận không kích làm hàng nghìn người chết và tàn phá cơ sở hạ tầng của Li-bi. Sau hơn tám tháng tiến hành cuộc chiến, NATO đã hậu thuẫn lực lượng đối lập ở Li-bi lật đổ chế độ cầm quyền suốt 42 năm qua của Tổng thống Ca-đa-phi, bắt và tiêu diệt nhà lãnh đạo này. Như "hiệu ứng đô-mi-nô", các cuộc xung đột bùng nổ ngày càng dữ dội ở nhiều quốc gia như Xy-ri, Ba-ren, Y-ê-men; châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên đường phố ở An-giê-ri, Ma-rốc, I-rắc, Gioóc-đa-ni, Li-băng, Cô-oét, A-rập Xê-út...

Xy-ri, quốc gia có vị trí địa - chính trị quan trọng ở khu vực Trung Ðông, đã rơi vào bất ổn và bạo loạn sau các cuộc biểu tình bùng phát hồi tháng 2. Những gì diễn ra ở Xy-ri khiến dư luận lo ngại có  thể lặp  lại "kịch bản Li-bi", khi nước này phải đối mặt nguy cơ nội chiến và sự can thiệp từ bên ngoài. Chính quyền của Tổng thống A.Át-xát từng bước bị cô lập. Mỹ và phương Tây gia tăng sức ép bằng các biện pháp cấm vận Ða-mát và công khai ủng hộ lực lượng đối lập Hội đồng Dân tộc Xy-ri (SNC). Liên đoàn A-rập (AL) cuối tháng 11 đã đình chỉ tư cách thành viên của Xy-ri và thông qua lệnh trừng phạt Ða-mát. Lần đầu AL cử các quan sát viên tới Xy-ri. Các lệnh trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây đối với Xy-ri gây thiệt hại nặng nề nền kinh tế nước này, ước tính tới năm tỷ USD. Những ngày cuối năm 2011, chính quyền của Tổng thống Át-xát bị kẹp "giữa hai gọng kìm": các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây, AL và sức ép của phe đối lập đòi ông từ chức. Tình hình Y-ê-men vẫn mong manh, mặc dù sáng kiến giải quyết khủng hoảng của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã được các bên chấp thuận.  Tổng thống Xa-lê đã ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống M.Ha-đi để thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến vào tháng 2-2012. Tuy nhiên, con đường tiến tới hòa bình và ổn định ở Y-ê-men còn đầy chông gai. Các cuộc xung đột vũ trang và giao tranh giữa quân đội chính phủ với các tay súng thuộc mạng lưới khủng bố An Kê-đa vẫn tiếp diễn.

Các chính phủ mới ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi và Y-ê-men được thành lập. Các cuộc bầu cử QH ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Ma-rốc đã được tổ chức. Tuy nhiên, "Mùa xuân A-rập" chưa đem lại những điều người biểu tình mong muốn. Tại Li-bi, chia rẽ nội bộ và mối đe dọa khủng bố không chỉ ở nước này mà còn có nguy cơ lan rộng toàn khu vực Xa-hen, nơi tổ chức khủng bố An Kê-đa tại Bắc Phi (AQIM) đang mở rộng ảnh hưởng. Tại Ai Cập, quá trình chuyển tiếp do quân đội thực hiện gặp nhiều trắc trở. Biểu tình và xung đột tiếp diễn ở đất nước Kim tự tháp, bởi người dân bất bình trước sự chậm trễ cải cách và các đòi hỏi của họ chưa được đáp ứng: quân đội phải nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.

I-rắc chia rẽ và bất ổn

Tình hình I-rắc vẫn diễn biến phức tạp và không nằm ngoài những dự đoán. Mỹ cuối cùng cũng rút quân khỏi "bãi lầy" I-rắc theo đúng lời hứa của Tổng thống Ô-ba-ma trong chiến dịch tranh cử, kết thúc cuộc chiến kéo dài gần chín năm qua ở I-rắc. Mỹ đã phải trả giá đắt cho cuộc chiến tranh tốn kém nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc chiến I-rắc đã làm 4.500 binh sĩ Mỹ chết, hơn 30 nghìn binh sĩ khác bị thương và "ngốn" của Mỹ khoảng 800 tỷ USD. Sau khi rút quân, Mỹ đã để lại một I-rắc chia rẽ và đổ nát. Mâu thuẫn giữa các phe phái và nguy cơ khủng bố luôn là mối đe dọa rình rập. Bạo lực đã tái bùng phát dữ dội tại I-rắc. Hàng loạt vụ đánh bom khủng bố liên tiếp xảy ra làm hàng trăm người thương vong. Mâu thuẫn giữa các phe phái cũng bùng nổ. Chính phủ I-rắc, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ma-li-ki, đã gạt bỏ một số nhà hoạt động chính trị người Hồi giáo dòng Xun-nít. Hội đồng Thẩm phán tối cao I-rắc ra lệnh bắt Phó Tổng thống An Ha-se-mi (người Cuốc) với cáo buộc liên quan các vụ đánh bom khủng bố vào các quan chức người Hồi giáo dòng Si-ít. Khối chính trị Iraqiya của nhóm nghị sĩ Hồi giáo dòng Xun-nít trong QH tuyên bố tẩy chay QH và các bộ trưởng của nhóm này đã rút khỏi chính phủ. Cộng đồng người Cuốc ở khu vực miền bắc, nơi có những giếng dầu khổng lồ, vẫn luôn nuôi tham vọng tách khỏi  I-rắc.

Năm 2011 cũng chứng kiến sự căng thẳng trong quan hệ giữa I-ran và phương Tây. Quan hệ Anh - I-ran gần như bị đổ vỡ sau khi I-ran hạ cấp quan hệ ngoại giao với Anh và các sinh viên I-ran xông vào trụ sở đại diện ngoại giao của Anh tại Tê-hê-ran. Sự trả đũa lẫn nhau giữa I-ran và Anh bằng việc trục xuất Ðại sứ của nhau ảnh hưởng nỗ lực tìm giải pháp thương lượng cho vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran. I-ran đối mặt việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ và phương Tây. Trong khi đó, chương trình hạt nhân của I-ran vẫn là đề tài "nóng bỏng", nhất là sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo về khả năng nước này "đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân". Cuộc đối đầu giữa I-ran với Mỹ và phương Tây ngày càng căng thẳng khi có những thông tin về việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng Vịnh và I-ran tiến hành các cuộc tập trận hải quân, cũng như đe dọa đóng cửa eo biển Hoóc-mút, tuyến đường vận chuyển 40% lượng dầu mỏ thế giới, để ngăn chặn nguy cơ bị đánh phủ đầu.

Trọng tâm chiến lược của Mỹ và phương Tây

Các nước A-rập nằm giữa các tuyến đường huyết mạch của thương mại thế giới, nối châu Âu với châu Á và cùng với I-ran bao quanh vùng Vịnh, nơi chiếm tới 54% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Khu vực Trung Ðông, nơi được coi là  "rốn" dầu mỏ của thế giới, luôn nằm trong trọng tâm chính chiến lược của Mỹ. Diễn biến ở các nước khu vực Trung Ðông và châu Phi trong năm qua đang nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ khi một trật tự mới đang dần được thiết lập tại khu vực này; cán cân quyền lực truyền thống ngày càng suy yếu và thay vào đó là sự xuất hiện của thế lực chính trị mới, đặc biệt tại Ai Cập và Tuy-ni-di, khi các chính đảng Hồi giáo giành thắng lợi lớn trong các cuộc bầu cử vừa qua. Theo các nhà phân tích, nếu các chính đảng Hồi giáo tiếp tục thắng thế, nhiều khả năng bản đồ về tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Ðông-Bắc Phi sẽ được điều chỉnh theo hướng thu hẹp. Có thể nói, việc Mỹ sa lầy trong cuộc chiến tranh kéo dài ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, kéo theo những khó khăn trong nền kinh tế Mỹ và tư tưởng "bài" Mỹ ngày càng tăng ở Trung Ðông cho thấy, Oa-sinh-tơn đã thất bại trong thực hiện các mục tiêu chiến lược. Phản ứng chậm trễ của Mỹ đối với "Mùa xuân A-rập", thất bại của Oa-sinh-tơn trong việc khởi động lại cuộc đàm phán hòa bình bị bế tắc giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, chứng tỏ khả năng và vai trò của nhà cầm quyền Oa-sinh-tơn ở khu vực này đang suy yếu. Ðể củng cố ảnh hưởng, Mỹ đang tái bố trí lực lượng ở khu vực này sau khi rút quân đội khỏi I-rắc. Trong khi đó, các nước phương Tây và một số nước khác đang toan tính mở rộng ảnh hưởng ở khu vực có vị trí địa - chính trị quan trọng này.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com