Liên đoàn A-rập (AL) đã chính thức đề nghị HĐBA LHQ hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xy-ri, sau khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) rút toàn bộ quan sát viên khỏi phái bộ của AL để phản đối sự thiếu cộng tác của chính quyền Đa-mát.
Một quan chức AL cho biết, liên đoàn này đã chính thức gửi thư đề nghị tổ chức cuộc họp với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) để bàn về kế hoạch giải quyết khủng hoảng tại Xy-ri, cũng như sự hỗ trợ của HĐBA trong việc thực thi kế hoạch này. Bức thư gửi ông Ban Ki-mun, người đứng đầu AL, ông Na-bin Ê-la-ra-bi (Nabil Elaraby) và ông Ha-mát An Tha-ni (Hamad al-Thani), người dẫn đầu Ủy ban của AL ở Xy-ri đã cung cấp các kế hoạch cụ thể của tổ chức này đề xuất về giải pháp cho Xy-ri. Được biết, bức thư yêu cầu một buổi họp chung ở trụ sở của LHQ để thông báo cho HĐBA về tiến triển và tìm kiếm ủng hộ của hội đồng về kế hoạch này.
Binh sĩ Xy-ri tại chốt kiểm soát ở thành phố Hôm-xơ ngày 23-1. Ảnh: AP |
AL đưa ra quyết định trên sau khi GCC rút toàn bộ 55 quan sát viên thuộc các quốc gia thành viên ra khỏi phái bộ AL để phản đối việc chính quyền Đa-mát không tuân thủ kế hoạch giải quyết khủng hoảng do liên đoàn đề xuất. Theo đó, AL yêu cầu Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Syria Basha al-Assad) phải chuyển giao quyền lực cho Phó tổng thống để tiến tới thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong 2 tháng tới, đồng thời yêu cầu các bên ở Xy-ri tiến hành đối thoại nghiêm túc dưới sự bảo trợ của AL trong thời hạn không quá hai tuần, và tích cực chuẩn bị cho các cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống sắp tới.
Sau khi GCC rút các quan sát viên về nước, phái bộ của AL tại Xy-ri hiện chỉ còn 110 người và dự kiến sẽ tiếp tục ở lại Xy-ri thêm một tháng nữa. Theo kế hoạch trước đó, đáng lẽ AL phải rút phái bộ quan sát viên ra khỏi Xy-ri từ hôm 19-1, nhưng sau đó đã được gia hạn 2 lần. Lần đầu tiên là đến ngày 24-1 và lần thứ hai là đến ngày 24-2.
Quan hệ giữa AL và Chính quyền của Tổng thống Át-xát đang trở nên căng thẳng sau nghị quyết mới nhất của AL về tiến trình thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở Xy-ri trong giai đoạn chuyển tiếp. Trong phản ứng chính thức đối với nghị quyết vừa được các Ngoại trưởng AL thông qua tại cuộc họp ở thủ đô Cai-rô (Ai Cập) ngày 24-1, Ngoại trưởng Xy-ri Oa-lít Mu-a-lem (Walid Mouallem) cho rằng, AL đang can thiệp một cách thô bạo và trắng trợn vào tình hình Xi-ry. “Chắc chắn giải pháp cho Xy-ri không phải là giải pháp mà AL vừa đề xuất và đã bị chúng tôi bác bỏ. AL đã tự rũ bỏ vai trò liên đoàn của mình và chúng tôi không muốn nghe thêm bất kỳ giải pháp nào do các nước A-rập đề xuất”, ông Mu-a-lem khẳng định.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Xy-ri, việc AL tìm kiếm sự giúp đỡ của HĐBA là bước thứ 3 trong kế hoạch của liên đoàn này, trước khi thực hiện bước cuối cùng là quốc tế hóa cuộc chiến giống như ở Li-bi. Đó là lý do tại sao Đa-mát không chấp thuận kế hoạch của AL, mà sẽ nỗ lực tìm kiếm một giải pháp riêng cho cuộc chiến đã làm khuynh đảo đất nước từ hơn 10 tháng nay.
Trong khi đó, theo đặc phái viên Đức tại LHQ P.Uýt-tinh (P. Witting), việc AL yêu cầu HĐBA chấp nhận kế hoạch sẽ có thể dẫn đến một "thế trận thay đổi", và cuối cùng có thể dẫn tới việc HĐBA vào cuộc để giải quyết khủng hoảng ở Xy-ri. Hiện Anh, Pháp, Đức và các nước A-rập đang soạn thảo một nghị quyết mới về Xy-ri để trình HĐBA bỏ phiếu vào đầu tuần tới. Tuy nhiên, nghị quyết này một lần nữa có thể vấp phải sự phản đối của Nga do nghị quyết kêu gọi tất cả các nước hợp tác với AL. Đến nay, HĐBA vẫn chưa thông qua một nghị quyết nào về tình hình tại Xy-ri. Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của châu Âu hồi tháng 10-2011, vì cho rằng đây là một âm mưu nhằm thay đổi chế độ tại Xy-ri.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Ca-na-đa Giôn Bát (John Baird) hôm 25-1 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 4 ngân hàng, 3 công ty dầu mỏ và 22 cá nhân có liên quan tới chế độ của Tổng thống Át-xát. Đây là lần thứ năm Ca-na-đa công bố lệnh trừng phạt Xy-ri kể từ tháng 5-2011./.
Theo: qdnd.vn