Bị vạ lây do khó khăn kinh tế từ châu Âu - Châu Á vẫn là niềm hy vọng cho kinh tế toàn cầu 2012

08:01, 02/01/2012

Kinh tế thế giới bước sang năm 2012 với một loạt dự báo không mấy lạc quan của các nhà phân tích kinh tế và tổ chức tài chính quốc tế. Trong đó, nổi lên những dự báo cho rằng, các nền kinh tế châu Á sẽ chịu tác động nghiêm trọng bởi những khó khăn của nền kinh tế Mỹ và khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang là nỗi lo lắng toàn cầu. Ảnh: AFP
Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang là nỗi lo lắng toàn cầu. Ảnh: AFP

Sức mạnh kinh tế dịch chuyển sang phía Đông

Mới đây nhất, bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) của tạp chí “The Economist” đã đưa ra dự báo, nguy cơ kinh tế thế giới trở lại suy thoái trong hai năm tới lên tới 40%. Nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2% trong năm 2012, giảm so với ước tính 2,6% của năm 2011. Các nền kinh tế châu Á sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả hơn so với việc giảm kim ngạch xuất khẩu và kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Các điều kiện tín dụng tại châu Á cũng bị thắt chặt vì các ngân hàng châu Âu đang chịu sức ép phải cắt giảm cho vay ra nước ngoài.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á xuống còn 7,5% trong năm 2012. Nhưng mức tăng trưởng này sẽ chịu ảnh hưởng của sự bất ổn lớn hơn vào năm 2012 do châu Âu đang bị khủng hoảng tài chính. Theo Chủ tịch ADB, ông Ha-ru-hi-cô Ku-rô-đa (Haruhiko Kuroda), các khu vực tài chính châu Á bị ảnh hưởng mạnh bởi hoạt động rút vốn của các ngân hàng châu Âu do các đồng tiền yếu đi, thị trường chứng khoán sụt giảm và chi phí cấp vốn doanh nghiệp tăng. Thậm chí với Trung Quốc, vốn được đánh giá là vẫn khá vững vàng trước những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ông Ku-rô-đa cũng nhận định: “Trung Quốc có thể đối mặt với những khó khăn nếu nhu cầu từ châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, tiếp tục suy giảm”.

Tuy nhiên, mặc dù ít nhiều bị “vạ lây” bởi những khó khăn của châu Âu, nhưng châu Á, mà đi đầu là Trung Quốc vẫn được dự báo là sẽ giữ vai trò thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Nhà kinh tế trưởng Ghê-ran Li-ông (Gerard Lyons) của Ngân hàng Standard Chartered nhận định, khó khăn của châu Âu có thể kéo kinh tế toàn cầu sụt giảm trong những tháng đầu năm 2012, song tăng trưởng tại châu Á và Trung Quốc sẽ kéo mọi thứ trở lại quỹ đạo vào cuối năm. Bản dự báo thường niên năm 2011 của Standard Chartered cũng thừa nhận, chính các nền kinh tế phát triển cũng đang ngày càng nhận ra sự thật là sức mạnh kinh tế đang dịch chuyển sang phía Đông, khi mà phương Tây đang phải vật lộn với sức ép về tín dụng, kinh tế suy thoái và niềm tin của người tiêu dùng đổ vỡ. Theo ngân hàng này, sức mạnh nổi lên của thế giới đang phát triển thể hiện rõ với xu thế mở rộng nhanh của tầng lớp trung lưu, đầu tư cơ sở hạ tầng gia tăng và mối liên kết chặt chẽ giữa các hành lang thương mại mới kết nối châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ La-tinh.

Thậm chí, Tổng biên tập tờ “The Economist”, ông Đa-ni-en Phranh-klin (Daniel Franhklin) cũng tin rằng, các thị trường mới nổi lần đầu tiên sẽ mua một nửa lượng hàng hóa nhập khẩu của thế giới trong năm 2012. Trung Quốc sẽ tiến gần đến vị trí của Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới (khả năng điều này sẽ diễn ra vào năm 2014). Và đồng nhân dân tệ sẽ tiến nhanh hơn dự đoán tới chỗ cùng với đồng đô-la trở thành đồng tiền toàn cầu.

Nguy cơ sai lầm chính sách trong nỗ lực duy trì tăng trưởng

Nhưng nếu trường hợp xấu nhất xảy ra là khu vực đồng tiền chung châu Âu tan rã thì tác động đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ rất nghiêm trọng và sức mạnh kinh tế gia tăng của châu Á cũng khó có thể thay đổi được gì. EIU nhận định, nếu khu vực này tan rã trong 2 năm tới thì với khả năng tác động xấu lên tới 40%, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái, thậm chí suy thoái sâu là khó tránh, bất chấp việc các nước châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc sẽ nỗ lực đối phó bằng các chính sách tiền tệ và tài chính.

EIU dự đoán, để đối phó với những tác động xấu, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á có xu hướng quay trở lại ưu tiên cho giải pháp kích thích kinh tế. Quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra hồi đầu tháng 12-2011 để hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế là một động thái theo xu hướng này.

Theo ADB, để đối phó với viễn cảnh không mong muốn, các nhà hoạch định chính sách châu Á nên sử dụng các công cụ tài khóa, tiền tệ và tài chính sẵn có. Cần áp dụng các cơ chế tại chỗ để bảo đảm sự ổn định tài chính và bảo đảm tín dụng đầy đủ cho khu vực. Chính sách tiền tệ phải duy trì sự linh hoạt trong khi tỷ giá hối đoái phải tránh sự phá giá cạnh tranh. Và khu vực vẫn có không gian tài chính để áp dụng các biện pháp kích thích đều đặn và sáng suốt, không để gây ra những căng thẳng về mặt ngân sách.

Tuy nhiên, trong nỗ lực này của châu Á, nhà chiến lược Lim Su Sian tại Xin-ga-po của Ngân hàng Hoàng gia Xcốt-len, đã cảnh báo nguy cơ xảy ra sai lầm chính sách trong năm 2012. Nguyên do bởi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, tạo áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải hạ lãi suất cho vay bất chấp lạm phát cao. Ông cho rằng, trong nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế năm 2012, các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á có thể tự đưa kinh tế nước mình vào rủi ro với các quyết định hạ lãi suất cơ bản hay tung gói kích thích tài khóa.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com