Ngay sau khi xảy ra vụ không kích "nhầm" của NATO vào ngày 26-11-2011 làm 24 binh sĩ Pa-ki-xtan chết và 13 người bị thương, I-xla-ma-bát đã ra lệnh đóng cửa biên giới đối với tất cả các tuyến tiếp vận hậu cần của NATO tới Áp-ga-ni-xtan đi qua lãnh thổ Pa-ki-xtan, đồng thời yêu cầu Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi căn cứ không quân Sam-xi ở phía tây-nam Pa-ki-xtan. Căn cứ không quân Sam-xi lâu nay thường được sử dụng làm điểm xuất kích cho các chiến dịch tiến công bằng máy bay không người lái bí mật của Mỹ chống lực lượng Ta-li-ban và An Kê-đa ở khu vực biên giới với Áp-ga-ni-xtan. Từ ngày 11-12-2011, quân đội Mỹ đã buộc phải rút hoàn toàn khỏi căn cứ này. Cũng vào thời điểm trên, tại tỉnh Ba-lu-chi-xtan, tây-nam Pa-ki-xtan, xảy ra vụ tiến công làm ít nhất 34 xe tải của NATO bị phá hủy. Thêm vào đó, Pa-ki-xtan đã tẩy chay Hội nghị Bon (Ðức) về tương lai của Áp-ga-ni-xtan.
Một cuộc biểu tình phản đối Mỹ và NATO ở TP Ca-ra-si, Pa-ki-xtan. ( Ảnh: ROI-TƠ ) |
Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Pa-ki-xtan cùng với "thái độ hợp tác thiếu tích cực" của I-xla-ma-bát đã gây khó khăn cho Mỹ và NATO trong cuộc chiến chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan nói riêng và ở Nam Á nói chung. Trong bối cảnh trên, nhiều chính khách Mỹ đã lên tiếng đòi chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma xem xét lại toàn bộ quan hệ chiến lược với Pa-ki-xtan, cũng như cắt giảm các khoản viện trợ kinh tế và quân sự cho quốc gia Nam Á này. Nhiều ý kiến cho rằng, I-xla-ma-bát đang ngầm hậu thuẫn mạng lưới khủng bố Ha-ca-ni và các tổ chức cực đoan khác từng mở các cuộc tiến công gây nhiều thương vong cho các binh sĩ Mỹ và làm phương hại lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Và để "trừng phạt" I-xla-ma-bát, QH Mỹ đã thông qua quyết định đóng băng khoản cứu trợ dân sự trị giá 700 triệu USD dành cho Pa-ki-xtan. Trong khi đó, nhiều quan chức Mỹ lại tỏ ý lo ngại về sự rạn nứt của quan hệ Mỹ - Pa-ki-xtan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Pa-nét-ta kêu gọi cần hàn gắn mối quan hệ với "đồng minh chiến lược" này và chỉ rõ rằng, mối quan hệ ổn định với I-xla-ma-bát là chìa khóa để giành chiến thắng trong cuộc chiến của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan.
Ðể cứu vãn tình hình, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã gọi vụ không kích "nhầm" là một "bi kịch", bày tỏ thương tiếc những binh sĩ Pa-ki-xtan thiệt mạng, đồng thời cam kết điều tra kỹ lưỡng. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ và Pa-ki-xtan vẫn tiếp tục bất đồng về vụ không kích "nhầm" này. Quân đội Pa-ki-xtan đã phản đối bản báo cáo chính thức của quân đội Mỹ và NATO về vụ không kích "nhầm", cho rằng bản báo cáo này không đầy đủ và không đánh giá đúng tình hình thực tế. Hơn nữa, trong báo cáo, Mỹ và NATO đã không đưa ra lời xin lỗi, mà chỉ bày tỏ "vô cùng hối tiếc và chia buồn sâu sắc". Các nhà quan sát cho rằng, sự bất đồng về bản báo cáo này là một trở ngại lớn đối với việc hàn gắn quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và các đồng minh với Pa-ki-xtan. Nhằm làm giảm sự phẫn nộ trong dư luận ở Pa-ki-xtan, mới đây, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã phải ngừng các cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào những nơi có các tay súng tại Pa-ki-xtan. Trước đó, Thủ tướng Pa-ki-xtan R.Gi-la-ni đã đặt ra những quy định mới cho quan hệ với Mỹ, trong đó yêu cầu Oa-sinh-tơn tôn trọng chủ quyền của Pa-ki-xtan và ngừng các vụ tiến công bằng máy bay không người lái ở nước này. Ông Gi-la-ni cho rằng, các vụ tiến công bằng máy bay không người lái của Mỹ thường gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng nỗ lực của chính phủ nhằm cô lập các phần tử khủng bố. Và để ngăn chặn cũng như đáp trả bất kỳ vụ xâm phạm không phận nào trong tương lai như vụ không kích "nhầm" từ hướng Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan đã nâng cấp hệ thống phòng không ở khu vực biên giới với Áp-ga-ni-xtan.
Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng Mỹ - Pa-ki-xtan vẫn chưa hạ nhiệt, chính trường Pa-ki-xtan gần đây trở nên nóng bỏng với những tin đồn về một "âm mưu" đảo chính. Trong bài viết đăng trên tờ Thời báo Tài chính (Mỹ) mới đây, doanh nhân Man-xo I-gia cho biết, cựu Ðại sứ Pa-ki-xtan tại Oa-sinh-tơn H.Ha-ca-ni đã nhờ ông chuyển một bức thư (được cho là của một trợ lý thân cận của Tổng thống Pa-ki-xtan A.Da-đa-ri) tới Lầu năm góc, trong đó đề nghị Mỹ giúp ngăn chặn một cuộc đảo chính quân sự tại Pa-ki-xtan. Vụ việc này đã khiến Ðại sứ Ha-ca-ni phải từ chức. Trước những tin đồn này, trong tuyên bố mới đây, Tham mưu trưởng lục quân Pa-ki-xtan, Tướng A.Ca-y-a-ni đã "kịch liệt bác bỏ những đồn đoán về bất kỳ kế hoạch lật đổ nào của quân đội và khẳng định những đồn đoán như vậy là sai lệch". Thủ tướng Gi-la-ni cũng bác tin đồn nói rằng quân đội đang mưu toan làm đảo chính, đồng thời khẳng định hiện tại Tổng thống Pa-ki-xtan được QH và quân đội ủng hộ. Trong một hành động biểu thị sự "ủng hộ" đối với quân đội Pa-ki-xtan, đồng thời bày tỏ phản đối Mỹ và lên án NATO, tại TP La-ho của Pa-ki-xtan, đã nổ ra cuộc biểu tình rầm rộ nhất với sự tham gia của khoảng 30.000 người. Những người biểu tình, chủ yếu gồm các nhóm Hồi giáo và các đảng phái chính trị do Hội đồng Quốc phòng Pa-ki-xtan (PDC) đứng ra tổ chức, đã yêu cầu chính phủ nước này hủy các thỏa thuận hợp tác với Mỹ về chống khủng bố.
Dư luận cho rằng, việc hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt ngày thêm nghiêm trọng giữa Mỹ với Pa-ki-xtan hiện nay cũng như việc làm giảm "sức nóng" và tăng độ tin cậy trong quan hệ giữa quân đội với các nhà lãnh đạo dân sự ở Pa-ki-xtan là vấn đề khó có thể giải quyết trong một sớm, một chiều.
Theo: nhandan.com.vn