Võ cổ truyền Việt Nam phát triển rất rộng và mạnh tại trung tâm thủ đô Paris cũng như ở miền Nam và miền Bắc nước Pháp. Khoảng giữa thế kỷ trước, theo bước chân những người Việt viễn xứ, võ cổ truyền Việt Nam bắt đầu "lấn sân” sang đất Pháp, tiếp theo là thế hệ sinh viên Việt Nam du học thành đạt, tiếp tục khởi xướng môn võ cổ truyền Việt Nam.
Luyện tập võ cổ truyền Việt Nam trên đất Pháp. Ảnh: Internet |
Tại Pháp đã có Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam quy tụ khoảng 20 môn phái, thu hút hàng nghìn võ sinh người nước ngoài theo học. Đây có thể coi là cái nôi của nền võ thuật Việt Nam tại nước ngoài.
Hầu hết những ai tham gia các hoạt động cộng đồng của Hội người Việt Nam tại thành phố Marseille (miền Nam nước Pháp) có lẽ đều biết đến võ sư Philippe Đặng Văn Sung (51 tuổi), ông đã cùng gia đình sang sinh sống, định cư tại Pháp tròn 50 năm. Ban đầu chỉ nhằm rèn luyện sức khỏe và tập luyện theo truyền thống gia đình, nhưng ông không ngờ được rằng cả cuộc đời mình sau này đều gắn với võ cổ truyền Việt Nam. Với sự tập luyện kiên trì, sau gần chục năm, võ sư Đặng Văn Sung đã 2 lần liên tiếp vô địch cuộc thi đấu võ tự do tại Pháp vào các năm 1978 và 1979. Từ năm 1978, ông chuyển qua dạy võ thuật cho quân đội Pháp cũng như quân đội và cảnh sát của khoảng 11 quốc gia khác. Năm 1996, võ sư Đặng Văn Sung cho mở một võ đường theo đúng mô hình Việt Nam, chính thức trở thành chấp chưởng của phái Nam Hổ Quyền, thuộc một chi phái của Bình Định gia. Trong võ đường của ông, luôn có thường trực từ 150-200 người tập luyện, đa số là người Pháp. Ở đất nước mà các môn võ thuật quốc tế như Judo, Tae Kwondo, Karatedo... rất phát triển nhưng võ cổ truyền Việt Nam vẫn có được chỗ đứng vững chắc của mình.
Năm 2010, võ sư Đặng Văn Sung còn tiến thêm một bước mới trong việc quảng bá võ cổ truyền Việt Nam thông qua việc vận động thành lập Liên đoàn võ cổ truyền tại Pháp. Ngay sau khi thành lập, Liên đoàn tại Pháp đã nhận được yêu cầu hỗ trợ thành lập các liên đoàn tương tự ở châu Âu như Đức, Áo, Italia hay châu Phi như Maroc, Tunisia, Burkina Faso... Mong muốn của võ sư Đặng Văn Sung về lâu dài, các liên đoàn này sẽ kết hợp với Liên đoàn võ cổ truyền ở Việt Nam tạo nên một Liên đoàn võ cổ truyền quốc tế. Võ sư cho biết thêm: "Năm 2013 sẽ là năm giao lưu Pháp - Việt Nam và chúng tôi muốn đứng ra tổ chức một loạt các hoạt động trên toàn lãnh thổ Pháp. Chẳng hạn, sẽ tổ chức ít nhất ở 5 thành phố lớn là Marseille, Paris, Toulouse, Nice, Lyon nhằm quảng bá nét văn hóa độc đáo của Việt Nam”.
Tương tự như võ sư Đặng Văn Sung, tại Pháp còn có phái Cửu Long võ đạo do võ sư Trần Hoài Ngọc thành lập năm 1954 ở Việt Nam. Năm 1979, ông cùng gia đình di cư sang Pháp tiếp tục phát triển môn phái này tại Loire Atlantiques và Côted' Azur thuộc thành phố Nantes. Võ sư Trần Hoài Ngọc cho biết: "Khởi nghiệp từ một anh lao công trên đất Pháp, sau hơn 30 năm tôi đã xây dựng một cơ nghiệp vững vàng nơi xứ người. Quan trọng hơn, tôi đã dạy cho hơn 4.000 môn sinh tại Pháp không chỉ về võ cổ truyền Việt Nam, qua đó còn giúp họ hiểu hơn về văn hóa của người Việt Nam. Tôi nghĩ những người Pháp yêu mến môn võ Việt chỉ một phần. Phần khác có lẽ họ đang nhìn vào gia đình tôi, một gia đình thuần Việt, con cái đều được học hành đến nơi, đến chốn và luôn hiếu thảo với cha mẹ, nên họ đồng ý gửi con em vào võ đường với mong muốn con em họ cũng giỏi và hiếu thảo như người Việt chúng ta...”.
Người con trai đầu của võ sư Trần Hoài Ngọc là David Trần, bên cạnh công việc của một bác sĩ ngành Xương khớp, anh còn là trưởng tràng của môn phái Cửu Long võ đạo và đang kiêm thêm công tác huấn luyện cho cảnh sát của thành phố Nantes. Con trai thứ hai là Antone Trần, hiện là bác sĩ khoa nhi cũng nhiều năm liền vô địch quyền thuật Việt Nam tại Pháp. Con gái thứ ba Delphine Trần theo học ngành thực phẩm dưỡng sinh và cũng nhiều năm liền vô địch quyền thuật Việt Nam tại Pháp, hiện cô đã có bằng HLV khí công của Pháp. Đặc biệt, cô gái út là Helene Trần từng 4 năm liền vô địch quyền thuật Việt Nam tại Pháp, hiện cô đang theo học Đại học TDTT ở Pháp. Cô đã hai lần về Việt Nam tham gia Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định. Võ sư Trần Hoài Ngọc bộc bạch thêm: "Khi đứng trước võ đường, tất cả các võ sư, các môn sinh dù quốc tịch nào, không phân biệt màu da, tôn giáo, sắc tộc... đều chung tinh thần thượng võ, hướng tới sự trung thực, quả cảm. Có thể nói, lúc này, võ cổ truyền Việt như một "ngôn ngữ” giúp người Việt hòa nhập được với cộng đồng nơi đất khách. Riêng trong thâm tâm tôi luôn mong muốn môn võ cổ truyền Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nữa trên thế giới. Muốn vậy, tôi nghĩ rằng các bậc võ sư của các môn phái, những người đang mang võ cổ truyền Việt Nam đi truyền bá ở nước ngoài cần tìm một sự thống nhất chung, và nhất là phải bỏ qua tất cả những cái tôi cá nhân để đạt được mục đích chung là: nâng tầm võ Việt”./.
Theo: daidoanket.vn