Chính phủ của Thủ tướng Y-ô-si-hi-cô Nô-đa (Yoshihiko Noda) ngày 27-12, đã quyết định nới lỏng chính sách cấm xuất khẩu vũ khí mà nước này áp dụng từ nhiều năm nay.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Nhật Bản do Thủ tướng Nô-đa đứng đầu, Chánh Văn phòng Nội các Ô-xa-mư Phư-di-mư-ra (Osamu Fujimura) khẳng định, chính quyền Nhật Bản đã quyết định nới lỏng chính sách cấm xuất khẩu vũ khí, theo đó Nhật Bản sẽ cung cấp thiết bị quân sự cho các nước khác vì mục đích nhân đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia thị trường vũ khí toàn cầu. Ông Phư-di-mư-ra cũng khẳng định, Nhật Bản vẫn giữ nguyên tắc là đất nước chuộng hòa bình, phản đối việc tiếp sức cho các cuộc xung đột mang tính quốc tế. Ông Phư-di-mư-ra cũng nhấn mạnh, Tô-ki-ô sẽ rất thận trọng trong hoạt động xuất khẩu vũ khí.
Các chiến hạm của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: AP |
Đây là thay đổi lớn đầu tiên của Nhật Bản liên quan tới ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí. Chính phủ Nhật Bản cho biết, họ sẽ tiếp tục tuân thủ ba nguyên tắc này, song sẽ xây dựng các nguyên tắc mới để nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Theo các nguyên tắc mới, Nhật Bản có thể tham gia hợp tác phát triển và chế tạo vũ khí với các nước bè bạn như Mỹ và có thể cung cấp thiết bị được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sử dụng trong chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cho các nước khác vì mục đích nhân đạo hoặc kiến tạo hòa bình. Nhật Bản cũng có thể cung cấp các thiết bị như máy xây dựng hạng nặng, áo giáp cho những nước mà SDF đang triển khai. Đây là thay đổi lớn đầu tiên của Nhật Bản liên quan tới ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí.
Năm 1967, chính quyền của Thủ tướng E. Xa-tô (E. Sato) đã đưa ra ba nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí (trên thực tế là lệnh cấm xuất khẩu vũ khí). Tuy nhiên, các nguyên tắc đã được nới lỏng hai lần: Vào năm 1983, theo đó cho phép cung cấp công nghệ vũ khí cho Mỹ và vào năm 2004, theo đó cho phép hợp tác phát triển và sản xuất các lá chắn tên lửa với Mỹ.
Như vậy, sau nhiều thập kỷ, Nhật Bản chủ trương thay đổi chính sách liên quan đến lĩnh vực quốc phòng-một chủ đề rất nhạy cảm đối với nước này kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đến nay-để trở thành “một quốc gia bình thường”. Việc nới lỏng lệnh cấm nói trên sẽ cho phép Nhật Bản xuất khẩu vũ khí và công nghệ tới các nước tuân thủ các quy định quốc tế về việc xuất khẩu vũ khí. Quyết định này cũng mở ra cơ hội cho Nhật Bản tham gia vào các dự án quốc phòng quốc tế như dự án sản xuất máy bay F-35 của tập đoàn Lockheed Martin và cho phép các hãng sản xuất vũ khí như Mitsubishi Heavy Industries giảm bớt gánh nặng về chi phí sản xuất. Trong lĩnh vực sản xuất vũ khí, tại Nhật Bản, ngoài tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries, còn có các tập đoàn sản xuất vũ khí lớn khác như Kawasaki Heavy Industries và IHI.
Việc cho phép xuất khẩu vũ khí sẽ khởi đầu cho sự cạnh tranh ngành công nghiệp vũ khí của Nhật Bản-hiện chỉ chiếm dưới 1% toàn bộ ngành công nghiệp của nước này. Theo dự đoán của các nhà phân tích, với lợi thế về công nghệ cao, trong những thập kỷ tới Nhật Bản sẽ chính thức tham gia vào cuộc đua cạnh tranh trong nền công nghiệp quốc phòng thế giới và không loại trừ khả năng sẽ trở thành đối thủ tiềm tàng với các cường quốc xuất khẩu vũ khí như Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc…
Theo: qdnd.vn