Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) đã một lần nữa chỉ trích I-ran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, đồng thời tuyên bố vũ khí hạt nhân của Tê-hê-ran sẽ là "ranh giới đỏ" cho cả Mỹ và I-xra-en.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L.Pa-nét-ta, người vừa có tuyên bố gây bất ngờ về chương trình hạt nhân của I-ran. Ảnh: AFP |
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS News, Bộ trưởng Pa-nét-ta cho rằng, I-ran có thể có một vũ khí hạt nhân trong một năm nữa, hoặc có thể sớm hơn và thời gian này sẽ không lâu đến thế nếu Tê-hê-ran có một cơ sở bí mật. "Có lẽ trong khoảng một năm, họ (I-ran) có thể chế tạo được một vũ khí hạt nhân, và sẽ sớm hơn nếu họ có một cơ sở được che giấu ở đâu đó tại nước này", ông Pa-nét-ta nhấn mạnh.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, Bộ trưởng Pa-nét-ta từ chối bác bỏ hành động quân sự để ngăn chặn I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, không giống như những tuyên bố trước đây, ông Pa-nét-ta không đề cập tới khả năng về một cuộc tấn công mà ông đã nhiều lần nói tới. Ông chỉ nói: "Nếu họ (I-ran) tiếp tục và chúng tôi có thông tin nói họ đang tiến tới phát triển một vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc đó".
Phát biểu của Bộ trưởng Pa-nét-ta đã gây ra bất ngờ trong giới chuyên gia. Tỏ ý lo ngại về phát biểu của ông Pa-nét-ta, một số người cho rằng, lời tuyên bố này là "rất dễ gây hiểu lầm". Theo ông Đây-vít Ôn-brai (David Albright), Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế, khả năng I-ran có vũ khí hạt nhân trong khoảng một năm là "rất thấp" vì bất cứ sự thay đổi nào theo hướng sản xuất uranium ở mức độ chế tạo vũ khí hạt nhân sẽ bị các thanh sát viên phát hiện và gần như chắc chắn I-xra-en sẽ có hành động quân sự.
Để tránh hiểu lầm, người phát ngôn của Lầu Năm Góc đã tìm cách xoa dịu phát biểu của ông Pa-nét-ta, khi nói rằng phát biểu của ông Pa-nét-ta chỉ là "giả thuyết" và không có ý ám chỉ I-ran đang che giấu một căn cứ bí mật. Quan chức trên cũng khẳng định quan điểm của Bộ trưởng Pa-nét-ta về chương trình hạt nhân của I-ran không thay đổi, đồng thời nhấn mạnh, nếu Tê-hê-ran quyết định sản xuất uranium ở mức độ có thể sản xuất vũ khí hạt nhân, các thanh sát viên của Liên hợp quốc sẽ phát hiện ra, và trong trường hợp đó, Lầu Năm Góc "vẫn còn đủ thời gian để phản ứng".
Trong một diễn biến khác, Bộ Tài chính Mỹ đã mở rộng lệnh trừng phạt đối với I-ran, theo đó bổ sung vào "sổ đen" 10 công ty vận tải và các công ty "bình phong" cùng một cá nhân ở Man-ta có liên kết làm ăn với Hãng vận tải biển I-ran (IRISL). Động thái này nằm trong nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của I-ran thông qua việc phong tỏa tài sản của các công ty và cá nhân trên toàn cầu hậu thuẫn I-ran, không để những đối tượng này tiếp cận hệ thống tài chính và thị trường thương mại của Mỹ. Theo Bộ Tài chính Mỹ, IRISL cũng đang chịu các biện pháp trừng phạt của quốc tế vì có liên quan tới chương trình tên lửa của I-ran cũng như vận chuyển các chuyến hàng quân sự của I-ran.
Theo: qdnd.vn