Kinh tế thế giới năm 2012 dự báo sẽ vẫn ảm đạm

07:12, 22/12/2011
Báo Bưu điện Tài chính (Ca-na-đa) số ra ngày 17-12 nhận định rằng, triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2012 là: Suy thoái tại châu Âu, tăng trưởng yếu ớt tại Mỹ, sự suy giảm tăng trưởng mạnh tại Trung Quốc và hầu hết các nền kinh tế thị trường đang nổi.

Các nền kinh tế châu Á bị ảnh hưởng do kinh tế Trung Quốc suy giảm. Mỹ la-tinh gặp khó khăn do giá hàng hóa thấp hơn, khi mức tăng trưởng của cả Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển cùng chậm lại. Trung Âu và Ðông Âu bị ảnh hưởng do tình hình khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Sự biến động tại Trung Ðông đang gây ra những rủi ro kinh tế nghiêm trọng cho cả khu vực này và thế giới, vì rủi ro địa chính trị vẫn cao và vì vậy giá dầu mỏ leo thang sẽ cản trở tăng trưởng toàn cầu.

Hàng nghìn người ở Hy Lạp biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ.        ( Ảnh: ROI-TƠ )
Hàng nghìn người ở Hy Lạp biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ. ( Ảnh: ROI-TƠ )

 Tại thời điểm hiện nay, sự suy thoái của Eurozone là chắc chắn. Mặc dù người ta chưa thể dự đoán mức độ sâu rộng của suy thoái này, nhưng việc tiếp tục khan hiếm tín dụng, những khó khăn nợ công, thiếu sức cạnh tranh và sự khắc khổ tài chính báo trước một sự suy giảm nghiêm trọng.

Mỹ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế rất thấp từ năm 2010, đang đối mặt những rủi ro suy giảm từ cuộc khủng hoảng Eurozone, cùng với trở ngại tài chính lớn, chi tiêu suy giảm của các hộ gia đình, bất bình đẳng đang tăng lên và bế tắc chính trị. Trong số các nền kinh tế phát triển lớn khác, Anh đang gặp khó khăn kép khi việc củng cố tài chính và những khó khăn của Eurozone cùng làm suy giảm tăng trưởng. Tại Nhật Bản, sự phục hồi hậu động đất sẽ "xì hơi" khi các chính phủ yếu kém không thực thi được những cải cách cơ cấu.

Việc giảm đòn bẩy tài chính của khu vực nhà nước và tư nhân tại các nền kinh tế phát triển mới chỉ bắt đầu, với bảng quyết toán của các hộ gia đình, ngân hàng, các thể chế tài chính, các chính quyền trung ương và địa phương vẫn căng thẳng. Chỉ các tập đoàn lớn là có cải thiện. Nhưng với quá nhiều rủi ro dai dẳng và những bất ổn toàn cầu tác động nhu cầu, với khả năng dư thừa vẫn cao do sự đầu tư quá mức vào bất động sản tại nhiều nước và việc tăng cường đầu tư chế tạo của Trung Quốc trong những năm gần đây, việc chi tiêu vốn và thuê nhân công của các công ty này vẫn lặng lẽ.

Bất bình đẳng đang tăng lên, một phần là do tái cấu trúc tập đoàn cắt giảm việc làm. Bất bình đẳng đang châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở nhiều nước, sự bất ổn xã hội và chính trị có thể trở thành một nguy cơ nữa cho hoạt động kinh tế.

Ðồng thời, những mất cân bằng tài khoản vãng lai chủ chốt, giữa Mỹ và các nền kinh tế thị trường đang nổi khác, và trong Eurozone vẫn lớn. Sự điều chỉnh có trật tự đòi hỏi nhu cầu nội địa thấp hơn tại những nước chi tiêu quá mức, có mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, và thặng dư thương mại thấp hơn tại những nước tiết kiệm quá mức, thông qua đánh giá tiền tệ thực tế và danh nghĩa. Ðể duy trì tăng trưởng, các nước chi tiêu quá mức cần hạ giá đồng nội tệ thực tế và danh nghĩa để cải thiện cán cân thương mại, trong khi những nước thặng dư cần thúc đẩy nhu cầu nội địa, nhất là tiêu dùng. Các cuộc chiến tiền tệ đang diễn ra trên một số mặt trận: can thiệp ngoại hối, nới lỏng định lượng (in thêm tiền) và kiểm soát các luồng vốn vào. Và với việc tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu hơn nữa trong năm 2012, những cuộc chiến này có thể leo thang thành các cuộc chiến tranh thương mại.

Theo Báo Bưu điện Tài chính, các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng ít các phương án lựa chọn. Phá giá tiền tệ là cuộc chơi "một  mất, một còn" bởi vì không phải tất cả các nước đều có khả năng phá giá nội tệ đồng thời với cải thiện xuất khẩu ròng. Chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng khi lạm phát không trở thành vấn đề tại các nền kinh tế phát triển và ít cấp bách hơn tại các nền kinh tế đang nổi. Nhưng chính sách tiền tệ ngày càng trở nên không hiệu quả tại các nền kinh tế phát triển, nơi những khó khăn xuất phát từ việc không trả được nợ chứ không phải tiền mặt. Trong khi đó, chính sách tài chính bị hạn chế do thâm hụt, nợ tăng lên và các quy định tài chính mới tại châu Âu. Việc cứu trợ các thể chế tài chính gây mất lòng dân, trong khi các chính phủ gần vỡ nợ không có tiền để làm điều đó.

Việc khôi phục tăng trưởng mạnh là rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh thiếu chính sách hiện nay. Ðó là thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt trong năm 2012.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com