Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở Liên bang Nga: Quê hương trong tim chúng tôi

09:12, 09/12/2011

Với khoảng 60.000 người, cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga là một trong những cộng đồng lớn (trước năm 2009 là khoảng 80.000 người). Trong đó, có thể chia thành bốn nhóm chính. Trước hết đó là nhóm chủ các doanh nghiệp tư nhân (khoảng 40%-50%), gồm những người đưa hàng nhập khẩu vào Nga, chủ các cửa hàng kinh doanh bán buôn, bán lẻ tại các chợ, ốp.

Trên thực tế, họ đang kinh doanh như các doanh nghiệp tư nhân. Đây là các đầu mối tiêu thụ lượng lớn hàng nhập khẩu vào Nga nói chung và từ Việt Nam nói riêng, hàng của các Cty của người Việt sản xuất tại Nga... Nhóm thứ hai là những người làm công (công nhân trong các nhà máy, nhân viên làm việc trong Cty, những người bán hàng thuê ở các chợ) chiếm khoảng 40%-50% số lượng người Việt đang có mặt ở LB Nga. Nhóm những người sang học tập, công tác ngắn hạn, đoàn tụ gia đình chiếm tỷ lệ không lớn. Một nhóm khác là chủ các doanh nghiệp - thành viên sáng lập các Cty cổ phần, Cty trách nhiệm hữu hạn... hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau: nhà máy sản xuất, Cty dịch vụ, Cty thương mại, xuất nhập khẩu... Nhóm này tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Nga, tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động.

Một góc chợ người Việt tại Nga.  Ảnh: Internet
Một góc chợ người Việt tại Nga. Ảnh: Internet

Còn nhớ đầu những năm 1990, việc mở chợ phát triển rầm rộ và đã trở thành lĩnh vực kinh doanh truyền thống của người Việt tại LB Nga trong suốt gần 20 năm qua. Các chợ đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 85% số người Việt tại Nga. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển, Nga dẹp bỏ dần các chợ và thế chỗ cho chúng là các trung tâm thương mại (TTTM) đáp ứng các quy chuẩn đặt ra. Đến các TTTM tại Ekaterinburg, Kazan, Vongagrad, Krasnodar... có thể gặp nhiều doanh nghiệp Việt Nam với vai trò chủ yếu là các đầu mối tiêu thụ hàng hóa. Dự án xây dựng Trung tâm văn hóa - thương mại Hà Nội - Matxcơva của Cty Incentra do ông Lê Trường Sơn làm Tổng giám đốc với vốn đầu tư xấp xỉ 200 triệu USD cũng là một hướng đi đúng đắn, được phía Nga rất ủng hộ và cũng đáp ứng được phần nào nhu cầu của bà con trong cộng đồng người Việt Nam tại Nga.

Mặt hàng mà người Việt Nam tại Nga kinh doanh chủ yếu tại các chợ, TTTM là quần áo và giày dép. Đây cũng là những loại sản phẩm được đa số các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga tập trung sản xuất. Có nhiều Cty, tập đoàn lớn trưởng thành trong chính lĩnh vực này như: Milton Group, Lion Group, Dinatex... Ngoài ra, thâm nhập tốt vào thị trường Nga hiện nay của doanh nghiệp còn phải kể đến lĩnh vực sản xuất đồ ăn nhanh. Đặc biệt, thị phần của các Cty Việt Nam tại Nga chiếm đến 70% trên thị trường mì ăn liền với doanh số bán hàng lên tới 600-700 triệu USD/năm với các tên tuổi nổi tiếng như: Mareven Food LLC, "Ẩm thực không biên giới”, KingLion Group... Đây cũng là thành công lớn của người Việt Nam tại Nga. Ngoài ra, những năm gần đây, một số doanh nghiệp Việt tại Nga chuyển sang sản xuất bao bì, đồ dùng cho sinh hoạt bằng nhựa và đang hoạt động khá tốt trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ phát triển rất mạnh và rất đa dạng trong cộng đồng người Việt tại Nga là giấy tờ cư trú, tư vấn pháp lý, cung ứng lao động, tài chính, du lịch và tổ chức sự kiện, khách sạn - nhà hàng, dịch vụ xuất nhập khẩu... Trong đó, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga được thành lập chính là một kênh hỗ trợ về tài chính quan trọng cho các doanh nghiệp của Việt Nam trên địa bàn. Từ đó, có thể thấy một trong những điểm khác biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Nga so với nhiều nước khác là chủ yếu đi sâu vào phát triển sản xuất với quy mô lớn và thành công trên lĩnh vực này.

Tiến sĩ Trần Đăng Chung, Chủ tịch Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga tâm sự, chúng tôi đều nghĩ về Tổ quốc của mình. Hầu hết các chủ doanh nghiệp Việt Nam tại Nga đều đầu tư trở lại quê nhà. Họ là cổ đông chính trong một số ngân hàng lớn tại Việt Nam, là chủ đầu tư các TTTM lớn, các khách sạn - nhà hàng, các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất lớn trong nước... Các doanh nghiệp đã tự khẳng định mình tại thị trường Nga, đại đa số gắn bó chặt chẽ với Việt Nam về mặt công nghệ, ý tưởng kinh doanh và ở không ít doanh nghiệp là cả về nhân sự (ở đây muốn đề cập đến lao động đưa từ Việt Nam sang). Tất nhiên, hơn ai hết, các doanh gia người Việt hiểu rõ thế mạnh của công nghệ Việt Nam: việc dễ dàng chuyển nhượng công nghệ từ trong nước, giá chuyển giao công nghệ và thiết bị chấp nhận được. Đó chính là con đường đã qua của một số các doanh gia Việt đã và đang thành công tại LB Nga. Nói như Tiến sĩ Nguyễn Cao Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH "Everything for home”, một trong những doanh nghiệp Việt thành công tại LB Nga thì "địa chỉ cuối cùng sử dụng vốn của doanh gia Việt tại Nga là Việt Nam”. Dù có đi đâu, làm gì thì tâm thức của người Việt vẫn luôn hướng về cội nguồn và sự trở về của những doanh nhân người Việt thành công trên đất nước Nga chính là điều tất yếu./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com