COP-17 đạt thỏa thuận cứu Trái đất vào phút chót

08:12, 12/12/2011

Sau nhiều ngày thảo luận, thậm chí phải kéo dài thời gian thêm một ngày, Hội nghị lần thứ 17 của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP-17) diễn ra tại Đơ-ban (Nam Phi) cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận  nhằm vạch ra một lộ trình mới cho các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong một thập kỷ tới.

Chủ tịch COP-17 Mơ-cô-a-na Ma-sa-ba-nê (bên phải) chúc mừng COP-17 đạt được thỏa thuận mới. Ảnh: AFP
Chủ tịch COP-17 Mơ-cô-a-na Ma-sa-ba-nê (bên phải)
chúc mừng COP-17 đạt được thỏa thuận mới. Ảnh: AFP

Chủ tịch COP-17 đồng thời là Ngoại trưởng nước chủ nhà Nam Phi, bà Mơ-cô-a-na Ma-sa-ba-nê (Mkoana Mashabane), cho biết, sau gần 14 ngày đàm phán căng thẳng theo Công ước LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Hội nghị đã thông qua lộ trình cho một thỏa thuận, theo đó lần đầu tiên sẽ ràng buộc pháp lý tất cả các quốc gia thải nhiều khí các-bon gây hiệu ứng nhà kính. Thỏa thuận này sẽ được thông qua vào năm 2015 và áp dụng từ năm 2020. Thỏa thuận này cũng sẽ thiết lập các cơ quan để thu thập, quản lý và phân phối nhiều tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo để giúp các nước này cải thiện các điều kiện khí hậu và hướng tới nền kinh tế thải ra ít khí các-bon gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài ra, Hội nghị cũng thông qua một loạt các cam kết theo Nghị định thư Ki-ô-tô từ năm 2013. Thành quả này là phần quan trọng trong Gói thỏa thuận Đơ-ban nhằm tăng cường các biện pháp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cho đến nay, Nghị định thư Ki-ô-tô là văn bản ràng buộc pháp lý duy nhất quy định trách nhiệm cắt giảm khí thải của 37 nước công nghiệp, trừ Mỹ, dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, Hội nghị Đơ-ban đêm 10, rạng sáng 11-12, đã nhất trí gia hạn nghị định thư thêm 5 năm.

Đạt được kết quả trên là nỗ lực lớn của nước chủ nhà Nam Phi. Theo chương trình, Hội nghị COP-17 kết thúc ngày 9-12. Nhưng do các nước vẫn bất đồng xung quanh thỏa thuận cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do đó nước chủ nhà Nam Phi đã quyết định kéo dài hội nghị sang ngày 10-12 và các cuộc thảo luận vẫn tiếp tục trong sáng 11-12. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất một thỏa thuận cắt giảm khí thải mới vào năm 2015 với sự tham gia của tất cả các nước phát thải khí độc hại nhiều trên thế giới và thỏa thuận này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020, theo đó sẽ cắt giảm 20% lượng khí thải trên toàn cầu. Nhưng đề xuất này vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. LHQ cho rằng, việc chậm trễ đạt được một thỏa thuận mới trên toàn cầu về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ khiến cho mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng trở nên khó khăn.

Hiện các nhà đàm phán vẫn còn tranh luận về từng câu chữ của nhiều mục thuộc lĩnh vực công nghệ cao nằm trong gói thỏa thuận bao gồm các mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, những quy định về thống kê rừng, chuyển đổi công nghệ xanh và khoản tiền dành hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu… Ngoại trưởng Nam Phi Mai-ít Cô-a-na Ma-sa-ban (Maite Nkoana Mashabane) cho rằng, mặc dù những thỏa thuận tại Đơ-ban chưa hoàn hảo, nhưng không nên để điều này làm mất đi những điều tốt đẹp và hy vọng.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com