Sau 33 năm cầm quyền, Tổng thống Y-ê-men A-li Áp-đu-la Xa-lê (Ali Abdullah Saleh) ngày 23-11 đã ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực, với hy vọng chấm dứt làn sóng bạo lực đang nhấn chìm quốc gia này kể từ đầu năm. Ông Xa-lê là nhà lãnh đạo thứ tư bị buộc phải từ bỏ quyền lực sau làn sóng bạo động ở Trung Đông, sau nhà lãnh đạo Tuy-ni-di, Ai Cập và Li-bi.
Đài truyền hình nhà nước A-rập Xê-út đã phát sóng trực tiếp lễ ký, được tổ chức tại Cung điện Hoàng gia An Y-a-ma-ma ở thủ đô Ri-át của A-rập Xê-út, trước sự chứng kiến của Quốc vương nước chủ nhà Áp-đu-la (Abdullah) cùng ngoại trưởng các nước vùng Vịnh và các đại diện phe đối lập ở Y-ê-men. Đại diện đảng cầm quyền ở Y-ê-men và phe đối lập cũng đã ký vào thỏa thuận trên.
Tổng thống Xa-lê ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực. Ảnh: AP |
Theo nội dung của thỏa thuận, do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất, ông Xa-lê nhường lại mọi quyền hành cần thiết cho Phó tổng thống Áp-đra-bu Man-xu Ha-đi (Abdrabuh Mansur Hadi) để ông này đưa ra những cơ chế thực thi nhằm tiến hành các cuộc bầu cử sớm trong 3 tháng tới. Bản thân ông Xa-lê và gia đình được quyền miễn truy tố. Tuy nhiên, ông Xa-lê vẫn giữ vai trò là tổng thống danh dự trong thời gian 90 ngày, đến khi Y-ê-men bầu ra tổng thống mới. Trong thời gian đó, phe đối lập ở Y-ê-men sẽ tiến cử một ứng viên cho vị trí lãnh đạo một chính phủ thống nhất quốc gia, để chịu trách nhiệm đàm phán với các nhà hoạt động thanh niên, những người đã lãnh đạo phong trào biểu tình tại Y-ê-men suốt 10 tháng qua.
Phát biểu sau lễ ký, ông Xa-lê khẳng định: "Chúng tôi hoan nghênh mối quan hệ đối tác với phe đối lập để giải quyết các vấn đề của đất nước và xây dựng lại những gì đã bị phá hủy trong cuộc khủng hoảng này".
Tuy nhiên, hàng nghìn người biểu tình đã đổ ra các con phố của thủ đô Xa-na của Y-ê-men để phản đối thỏa thuận mà ông Xa-lê đã ký, trong đó đề cập tới quyền miễn truy tố đối với ông này và gia đình. Theo AFP, xung đột đã xảy ra khi lực lượng trung thành với ông Xa-lê bắn vào những người biểu tình tại Quảng trường Thay đổi ở Xa-na, làm 4 người chết và 27 người khác bị thương.
Bất chấp những phản đối từ phía người biểu tình, việc chấp nhận ký vào thỏa thuận chuyển giao quyền lực của Tổng thống Xa-lê nhận được nhiều sự hoan nghênh. Vua Áp-đu-la của A-rập Xê-út ca ngợi sự kiện này là một trang mới đối với nước láng giềng Y-ê-men. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) cũng đánh giá cao quyết định từ chức của ông Xa-lê, cho rằng điều này đánh dấu một bước quan trọng đối với người dân Y-ê-men trong việc xây dựng đất nước trong thời gian tới. Ông Ban Ki-mun cũng lưu ý về vai trò của Phó tổng thống Ha-đi trong thỏa thuận chuyển giao.
Mỹ hoan nghênh việc Tổng thống Xa-lê ký kế hoạch chuyển giao quyền lực, nhấn mạnh rằng động thái này đánh dấu một bước đi quan trọng của người dân Y-ê-men. Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) hối thúc Y-ê-men thực hiện ngay thỏa thuận nói trên, coi đây là một quá trình chuyển tiếp lịch sử. Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại EU Ca-tơ-rin A-stơn (Catherine Ashton) cho rằng đây là bước đi quan trọng đầu tiên cho phép người dân Y-ê-men thêm nhiều hy vọng rằng đất nước của họ có thể chuyển sang một trang mới trong lịch sử của mình và mở ra một tương lai mới.
Theo: qdnd.vn