Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm qua đã công bố báo cáo về chương trình hạt nhân của I-ran, trong đó khẳng định IAEA có thông tin đáng tin cậy cho thấy I-ran có thể đã nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân. Trong báo cáo, IAEA đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc liên quan đến khả năng quân sự tiềm tàng trong chương trình hạt nhân của I-ran. Dựa trên những thông tin mà IAEA cho là “toàn diện và đáng tin cậy”, IAEA khẳng định I-ran đã tiến hành các hoạt động liên quan đến việc phát triển một thiết bị nổ hạt nhân, kể cả việc thử nghiệm các bộ phận cấu thành. Vào thời điểm trước cuối năm 2003, những hoạt động này của I-ran đã diễn ra theo một chương trình có tổ chức và có thể vẫn đang tiếp diễn, theo IAEA.
Nhà máy điện hạt nhân Bu-sê của I-ran. Ảnh: Globalsecurity |
Báo cáo này của IAEA được cho là chứa đựng những cáo buộc mạnh mẽ nhất và chi tiết nhất từ trước đến nay về tầm vóc quân sự trong chương trình hạt nhân của I-ran. IAEA đưa ra báo cáo được trông đợi này căn cứ vào các tin tức tình báo do một số quốc gia thành viên cung cấp và những tài liệu do chính cơ quan này thu thập được, bao gồm hơn 1000 trang tài liệu.
Những cáo buộc nặng nề này nhằm vào I-ran được công bố vào thời điểm nhạy cảm khi đang rộ lên tin tức I-xra-en có thể đang thúc đẩy kế hoạch tấn công quân sự các cơ sở hạt nhân của Tê-hê-ran. Vì vậy, báo cáo gây quan ngại sẽ tạo thêm cớ thúc đẩy I-xra-en cũng như một số quốc gia khác vẫn đang để ngỏ khả năng tấn công quân sự I-ran, ra tay hành động. Nhưng mối lo ngại này được giảm đi chút ít vì ngay trước thời điểm IAEA công bố báo cáo, Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en Ê-hút Ba-rắc (Ehud Barak) đã bác bỏ thông tin nói rằng nước này có ý định tấn công các cơ sở hạt nhân của I-ran, đồng thời khẳng định Ten A-víp chưa quyết định phát động bất kỳ chiến dịch quân sự nào.
Ngoài ra, qua báo cáo, cộng đồng quốc tế cũng muốn gây sức ép lên Nhà nước Hồi giáo nhằm từ bỏ chương trình hạt nhân bị nghi ngờ mang mục đích quân sự. Khả năng là sau khi IAEA công bố báo cáo, I-ran sẽ phải tiếp tục đối mặt với những lệnh trừng phạt mới, khắt khe hơn của quốc tế. Từ Oa-sinh-tơn và I-xra-en đã xuất hiện những lời kêu gọi các nước cần phải hành động và áp dụng các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn với Tê-hê-ran. Nhưng từ trước đến nay, I-ran vẫn luôn giữ lập trường cứng rắn để bảo vệ chương trình hạt nhân mà nước này cho là vì mục đích hòa bình của mình. Và Tê-hê-ran vẫn chưa chịu khuất phục trước rất nhiều lệnh trừng phạt quốc tế từng được đưa ra trước đây.
Do đó, báo cáo của IAEA có thể sẽ càng đẩy cuộc tranh cãi hạt nhân giữa I-ran với các nước phương Tây vào tình trạng căng thẳng hơn. I-ran đã nhanh chóng bác bỏ báo cáo mới của IAEA, cho rằng báo cáo này “vô căn cứ” và “thành kiến”. I-ran chỉ trích báo cáo của IAEA là một báo cáo tình báo, là sản phẩm được các cơ quan tình báo phương Tây “nhào nặn” và mang động cơ chính trị. Tổng thống I-ran A-ma-đi-nê-giát đã cáo buộc Mỹ đang tạo cớ chống lại I-ran thông qua chương trình hạt nhân, đồng thời kêu gọi Oa-sinh-tơn từ bỏ chính sách thù địch chống lại Tê-hê-ran.
Đáng chú ý, Nga đã tỏ thái độ phản đối và giận dữ đối với báo cáo của IAEA. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nói hành động này có vẻ như nhằm ngăn cản một giải pháp ngoại giao cho cuộc tranh cãi về hạt nhân của I-ran vào lúc có cơ may nối lại các cuộc hội đàm giữa I-ran và các cường quốc. Trung Quốc tuy chưa tỏ quan điểm rõ ràng trước báo cáo của IAEA, nhưng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh chính thức phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với I-ran. Đồng thời, Bắc Kinh đề nghị Tê-hê-ran mềm dẻo, thẳng thắn để tạo môi trường thúc đẩy nối lại tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân.
Từ trước đến nay, Nga và Trung Quốc luôn có quan điểm ủng hộ các giải pháp thương lượng ngoại giao, phản đối dùng vũ lực trong cuộc tranh cãi hạt nhân giữa I-ran và các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Lập trường của hai nước thành viên thường trực HĐBA LHQ này đã ngăn cản đáng kể Mỹ và đồng minh thực hiện các bước đi cứng rắn hơn và quyết định đối với Tê-hê-ran. Cuộc tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân I-ran vì thế trong suốt nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Và dư luận ngày càng lo ngại nó đang âm ỉ làm bùng phát một cuộc xung đột mới ở Trung Đông.
Theo: qdnd.vn