Vấn đề hạt nhân của I-ran: Ngăn ngừa "kịch bản I-rắc hoặc Áp-ga-ni-xtan"

08:11, 11/11/2011

Sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo về chương trình hạt nhân của I-ran, trong đó cho rằng nước này có thể đã nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân, I-ran đã lên tiếng bác bỏ báo cáo trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran R.Mê-man-pa-rát (R.Mehmanparast) cũng tuyên bố, I-ran sẵn sàng tham gia đàm phán với các cường quốc về chương trình hạt nhân của nước này.

Ông Mê-man-pa-rát khẳng định, I-ran luôn sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán tích cực và có hiệu quả, nhưng điều kiện để đàm phán thành công là sự thống nhất quan điểm về bình đẳng và tôn trọng lợi ích của tất cả các dân tộc ngay từ khi bắt đầu đàm phán. Ông Mê-man-pa-rát nhấn mạnh, việc nối lại các cuộc đàm phán cũng phụ thuộc vào hành động của Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cùng với Đức). Trong khi đó, ông A.Xôn-ta-ni-ê (A.Soltanieh), đại diện thường trực của I-ran tại IAEA cho rằng, nội dung báo cáo trên của IAEA không có gì mới, chỉ lặp lại "những cáo buộc cũ rích" mà I-ran đã chứng minh là vô căn cứ. Ông Xôn-ta-ni-ê khẳng định, I-ran sẽ tiếp tục các hoạt động hạt nhân hòa bình của nước này.

Một góc của cơ sở hạt nhân ở Pho-đô. Ảnh: Presstv.ir
Một góc của cơ sở hạt nhân ở Pho-đô. Ảnh: Presstv.ir

Trong phản ứng với báo cáo trên của IAEA, Nga tuyên bố sẽ không chấp nhận các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an LHQ đối với I-ran. Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Đu-ma Quốc gia Nga, ông I.Ba-ri-nốp (I.Barinov) cùng ngày tuyên bố, Nga cần phối hợp các nỗ lực ngoại giao với Trung Quốc để ngăn ngừa tình hình xung quanh chương trình hạt nhân I-ran diễn biến theo "kịch bản I-rắc hoặc Áp-ga-ni-xtan". Ông Ba-ri-nốp cho rằng, tình hình với I-ran và bản báo cáo vừa qua của IAEA khiến người ta nhớ đến thực tế từng xảy ra với I-rắc, trong đó những thông tin của các cơ quan tình báo phương Tây đã châm ngòi cho các hành động quân sự quy mô lớn và những bằng chứng chưa được kiểm tra chỉ là cái cớ để HĐBA áp đặt các biện pháp cấm vận mới. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10-11 cũng ra tuyên bố rằng, các biện pháp trừng phạt không thể giải quyết "tận gốc" vấn đề hạt nhân của I-ran.

Trong khi I-ran kiên quyết bảo vệ lập trường của mình, một số nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép với I-ran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mác Tô-nơ (Mark Toner) cho biết, Oa-sinh-tơn không loại trừ bất cứ khả năng nào, kể cả khả năng đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt. Lập trường trên của Mỹ được Pháp và Anh ủng hộ. Trong một tuyên bố chung vừa được đưa ra, 3 nước này kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt mới cứng rắn hơn đối với I-ran nếu Tê-hê-ran không hợp tác về chương trình hạt nhân.

Song song với các nỗ lực ngoại giao, I-ran đã tính tới tình huống xấu nhất có thể xảy ra, khi cho di chuyển thiết bị làm giàu uranium xuống một cơ sở dưới lòng đất để tránh các cuộc tấn công có thể nhằm vào nhà máy hạt nhân của nước này. "Các kỹ sư đang làm việc tích cực để chuẩn bị cơ sở đưa các máy li tâm ở Pho-đô (Fordo) xuống phía dưới một ngọn núi, để tránh bị tấn công", kênh truyền hình quốc gia I-ran dẫn lời Phó tổng thống I-ran P.Áp-ba-xi (F.Abbasi) cho hay.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com