Những lý do khiến Mỹ đẩy mạnh sự hiện diện tại Ô-xtrây-li-a

07:11, 18/11/2011

Ngày 17-11, phát biểu tại Quốc hội Ô-xtrây-li-a trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước này, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (B. Obama) cho biết, Mỹ nhìn thấy tương lai tươi sáng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác ở khu vực đang tăng trưởng nhanh này sẽ giúp Mỹ vượt qua các khó khăn kinh tế. Trước đó, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma và Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Giu-li-a Gi-lát (Julia Gillard) cũng đã nhất trí với thỏa thuận hợp tác quân sự theo đó, Mỹ sẽ triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ được cho là quy mô nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai ở quốc gia đồng minh này.

Tổng thống Ô-ba-ma và Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Giu-li-a Gi-lát sau khi thông báo thỏa thuận hợp tác quân sự. Ảnh: AFP
Tổng thống Ô-ba-ma và Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Giu-li-a Gi-lát sau khi thông báo thỏa thuận hợp tác quân sự. Ảnh: AFP

Theo ông Ô-ba-ma, trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông đã đưa ra một quyết định mang tính chiến lược, theo đó, nước Mỹ với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương sẽ đóng một vai trò lớn hơn và lâu dài trong tương lai của khu vực, thông qua việc duy trì các nguyên tắc cốt lõi và quan hệ đối tác với các đồng minh và nước bạn bè.

Đánh giá cao vị thế của châu Á-châu lục tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Tổng thống Ô-ba-ma cho rằng, châu lục này hết sức quan trọng đối với tương lai kinh tế của Mỹ, giúp tạo ra việc làm và mở ra các cơ hội cho người Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định Oa-sinh-tơn sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng sự phát triển hòa bình và thịnh vượng của Trung Quốc có lợi cho tất cả các nước trong khu vực, vì vậy Mỹ cũng sẽ tìm kiếm các cơ hội hợp tác với Trung Quốc.   

Việc Mỹ đẩy mạnh sự hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là việc lên kế hoạch triển khai quân tới Ô-xtrây-li-a có những lý giải khác nhau. Theo trang mạng Atlantic, điều này cũng cho thấy những bước chuyển trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Ô-ba-ma và tầm nhìn của Mỹ đối với vai trò ảnh hưởng của mình trên thế giới. Trang mạng này đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến Mỹ quyết định triển khai quân tới Ô-xtrây-li-a.

Thứ nhất, Mỹ đang chuyển hướng quan tâm từ khu vực Trung Đông sang khu vực Đông Á. Tổng thống Ô-ba-ma từng nói rằng, Mỹ cần phải chuyển sự chú ý từ Trung Đông, Trung Á, những khu vực đã phải chịu đựng nhiều tổn hại do sự can thiệp của Mỹ, sang khu vực Đông Á.

Thứ hai, Tổng thống Ô-ba-ma muốn rút khỏi chiếc “thùng không đáy” Áp-ga-ni-xtan. Mặc dù Mỹ đã có các kế hoạch thử nghiệm để bắt đầu rút khỏi Áp-ga-ni-xtan, nhưng dễ thấy quân đội Mỹ sẽ thúc Nhà Trắng đẩy ngược lịch trình hoặc ít nhất là kéo dài nó. Trên thực tế, họ đã làm được như thế với các kế hoạch rút quân trước đây ở chính Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Vì vậy, một số nhà phân tích đã hoài nghi về các kế hoạch rút quân mơ hồ do những tiến triển chậm chạp. Việc lực lượng mới của Mỹ ở Ô-xtrây-li-a cần phải được điều tới từ một nơi nào đó chính là động lực thúc đẩy kế hoạch rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Theo thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Ô-xtrây-li-a, một lực lượng từ 200 đến 250 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ đồn trú ở Ô-xtrây-li-a và sẽ luân chuyển sau mỗi 6 tháng. Lực lượng này sẽ được tăng dần cho đến khi đạt quân số 2.500 lính.

Thứ ba, Mỹ cũng quan ngại về những căng thẳng với Nhật Bản về căn cứ quân sự. Căn cứ quân sự của Mỹ ở Ô-ki-na-oa đã gây tranh cãi chính trị ở Nhật Bản trong nhiều năm. Năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản đã từ chức sau khi Tổng thống Ô-ba-ma gây sức ép đối với ông để “bội ước” với người dân về việc sẽ đóng cửa căn cứ quân sự của Mỹ ở Ô-ki-na-oa. Tất nhiên đó không phải tất cả lý do khiến thủ tướng Nhật phải từ chức, nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy căn cứ quân sự này đã mang tới nhiều phiền toái như thế nào cho quan hệ Mỹ-Nhật. Hiện Nhật Bản muốn chuyển căn cứ này tới một nơi khác ít dân cư hơn nhưng bị Mỹ phản đối. Căn cứ quân sự ở Đác-uyn ở Ô-xtrây-li-a mà quân đội Mỹ tới đồn trú có thể sẽ giúp giảm áp lực cho căn cứ ở Ô-ki-na-oa và cho phép Mỹ, Nhật di chuyển căn cứ quân sự này mà không phải hy sinh các lợi ích an ninh.

Thứ tư, liệu Ô-xtrây-li-a có thể trở thành một đồng minh mới kiểu như A-rập Xê-út của Mỹ? Nếu muốn thiết lập sự hiện diện ở Đông Á, Mỹ sẽ cần một nước đồng minh đáng tin cậy ở khu vực này. Nhật Bản quá mạnh và quá độc lập. Hàn Quốc lại quá bận rộn với những vấn đề liên quan tới nước láng giềng Triều Tiên... Nhưng với Ô-xtrây-li-a thì khác. Đây là một quốc gia nói tiếng Anh và có quan hệ gần gũi với Mỹ từ lâu.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com