Xứ sở hoa anh đào đã và đang trở thành lựa chọn lý tưởng cho các bạn trẻ Việt Nam khi có ý định du học nước ngoài, bởi ngoài nét văn hóa khá tương đồng thì Nhật Bản còn có nền giáo dục tiên tiến, chất lượng cao trong khi mức học phí, chi phí sinh hoạt lại rẻ hơn so với các nước khác như Anh, Mỹ...
Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Ảnh: Internet
|
Theo số liệu của Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO) số lượng du học sinh các nước nhập học vào Nhật Bản trong tháng 10-2011 chỉ còn 8.181 người, giảm 3.697 người so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm lớn như vậy là do các quốc gia có số lượng sinh viên đến Nhật ổn định và đông nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan chỉ sau một năm đã giảm mạnh.
Điều đáng lưu ý là trong khi ở phần lớn các nước số lượng du học sinh giảm chỉ trong vòng một năm thì các nước Việt Nam, Sri Lanca, Népan, Malaysia, Thụy Điển, con số này lại tăng lên. Trong đó Népan là nước có số lượng du học sinh đến Nhật Bản tháng 10-2011 lớn thứ ba, Việt Nam là nước lớn thứ tư. Báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng cho biết trong vòng 17 năm qua, Việt Nam đã đưa trên 30 nghìn tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Sự lớn mạnh của lực lượng cựu du học sinh và tu nghiệp sinh Việt Nam hiện đang học tập, làm việc tại Nhật Bản đã tạo thành một trào lưu ngày càng lớn mạnh về số lượng người Việt đang sinh sống tại đây.
Như đã nói, mức sống, điều kiện sống, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc... thường là những yếu tố được các cựu du học sinh cân nhắc trước khi quyết định ở lại Nhật làm việc. Cụ thể ở Nhật Bản hiện nay, mức lương khởi đầu của các nhân viên trung bình dao động từ 200 - 210 nghìn yên/tháng (1 yên Nhật = 274 đồng Việt Nam). Còn đối với các công việc nghiên cứu, nhất là nghiên cứu sinh trở lên thường có mức lương khá cao (có thể gấp đôi tùy từng công việc). Hàng năm các nhân viên còn có hai lần thưởng với giá trị mỗi lần gấp 1,5-3 lần tháng lương; các khoản chi phí đi lại cũng được công ty tài trợ. Tuy nhiên, cũng giống như các nước phát triển khác, các khoản thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm ở Nhật Bản rất cao, chiếm đến 12% tổng thu nhập. Còn đối với sinh viên mới sang có thể đăng ký ở ký túc xá hoặc thuê ngoài tùy ý. Trong khi đó nếu ở bên ngoài, chi phí sẽ gấp đôi, khoảng 20 nghìn yên/tháng. Về phương tiện di chuyển, đa số sinh viên Việt Nam thường chọn đi xe đạp. Các loại phương tiện như tàu điện, xe bus, taxi đều có, vừa tiện đường, vừa thuận lợi nhưng giá khá cao, trong khi sinh viên chỉ mất khoảng hơn 5 nghìn yên sẽ có ngay một chiếc xe đạp cũ.
Tương tự xu thế ở lại làm việc tại các nước châu Âu và Mỹ, một trong những nguyên nhân chính khiến các cựu du học sinh Việt Nam ở lại Nhật làm việc là hy vọng "sớm được hoàn vốn” sau khi học hành xong. Bên cạnh đó, sau khi kết thúc những năm tháng dùi mài kinh sử, họ cũng có nhu cầu học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và trau dồi tiếng Nhật trước khi về nước. Đây sẽ là hành trang giúp họ tự tin hơn khi "đầu quân” cho các công ty Nhật đang đầu tư tại Việt Nam hoặc kinh doanh với các đối tác ở Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản cũng cho phép sinh viên được đi làm thêm, nhằm giúp các bạn phần nào giảm bớt được gánh nặng về tài chính. Hội sinh viên của các trường sẵn sàng giới thiệu việc làm cho sinh viên. Nếu chăm chỉ, sinh viên có thể kiếm được khoản thu nhập tương đối khá để cuộc sống nơi xứ người được thuận lợi hơn mà ít lệ thuộc vào các khoản chu cấp từ gia đình nơi quê nhà...
Theo: daidoanket.vn