Nga sắp gia nhập WTO sau 18 năm đàm phán

08:11, 12/11/2011

Nga đã cam kết mở cửa thị trường và tán thành mọi “luật chơi” của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi nhận được sự chấp thuận của các đối tác thương mại để trở thành thành viên của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này sau 18 năm đàm phán. Theo BBC, trong phiên họp cuối cùng về đàm phán gia nhập WTO của Nga tại trụ sở của WTO ngày 10-11, Tổng giám đốc WTO, Pa-xcan La-mi (Pascal Lamy) tuyên bố, đây là một cuộc đàm phán trường kỳ, nhưng Nga đã đạt được một bước tiến lớn. Ông La-mi cũng cho biết, Nga đã chấp nhận các điều luật cam kết trên cơ sở một hệ thống thương mại thế giới minh bạch, mở và không phân biệt đối xử.

Tổng giám đốc WTO P. La-mi (bên trái) và Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Nga M. Mét-vét-cốp tại Giơ-ne-vơ hôm 10-11. Ảnh: AP
Tổng giám đốc WTO P. La-mi (bên trái) và Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Nga M. Mét-vét-cốp tại Giơ-ne-vơ hôm 10-11. Ảnh: AP

Các văn kiện đàm phán gia nhập WTO của Nga được thông qua ngày 10-11, sẽ được chuyển tới Hội nghị Bộ trưởng của WTO dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến 17-12 tại Giơ-ne-vơ để 153 quốc gia thành viên phê chuẩn lần cuối cùng. Sau đó, Quốc hội Nga cũng sẽ phê chuẩn các tài liệu này vào tháng 1-2012 tới và 30 ngày sau, Nga sẽ chính thức trở thành thành viên của WTO. Ông Mác-xim Mét-vét-cốp (Maxim Medvedkov), Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Nga bày tỏ sự hài lòng về việc sau 18 năm đàm phán khó khăn, tiến trình gia nhập WTO của Nga được hoàn tất. Thỏa thuận này đưa Nga hội nhập vào một hệ thống thương mại đa phương, tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư của Nga và cho phép Nga bảo vệ các lợi ích thương mại của mình hiệu quả hơn. Các văn kiện được thông qua bao gồm báo cáo cuối cùng của Nhóm công tác về việc Nga gia nhập WTO, Nghị định thư gia nhập, các cam kết của Nga về tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ, các thỏa thuận đã đạt được cùng dự thảo quyết định của Đại hội đồng WTO.

Việc ký kết Hiệp định về kiểm soát hàng hóa giữa Nga và Gru-di-a diễn ra ngày 9-11, tại Béc-nơ thông qua trung gian là Thụy Sĩ đã cho phép loại bỏ rào cản cuối cùng cho vấn đề Nga gia nhập WTO. Thỏa thuận sẽ cho phép quốc tế giám sát hoạt động thương mại xuyên biên giới ở hai khu vực ly khai của Gru-di-a được Mát-xcơ-va hậu thuẫn là Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a. Các cam kết của Nga khi gia nhập WTO và được 62 quốc gia thành viên của nhóm công tác về đàm phán gia nhập WTO của Nga phê chuẩn, là nội dung của tài liệu dày tới 700 trang. Nhìn tổng thể, Nga đã ký kết 30 hiệp định song phương về tiếp cận thị trường của nước này về dịch vụ và 57 hiệp định về hàng hóa. Nga đã chấp nhận giảm thuế hải quan đối với mọi sản phẩm.

Dư luận thế giới cũng đặc biệt hoan nghênh sự kiện này, đúng như đánh giá của Chủ tịch Nhóm Công tác về đàm phán gia nhập WTO của Nga, đại sứ Ai-xơ-len Xtê-phan Giô-ha-nét-xơn (Stefan Johannesson), khi cho rằng, đây là “kết quả lịch sử của WTO”, là một “tin tốt lành”, đặc biệt trong bối cảnh ảm đạm hiện nay của nền kinh tế thế giới. Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá sự kiện này sẽ là “một cú hích lớn trong phát triển quan hệ kinh tế giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga”. Đại diện các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Anh đều lên tiếng hoan nghênh thành viên mới của WTO.

Nga đã nộp đơn xin gia nhập WTO từ năm 1993, nhưng cuộc đàm phán giữa Nga và Gru-di-a về việc Nga gia nhập WTO đã bị đình lại vào cuối tháng 4-2008 do xung đột giữa Mát-xcơ-va và Tbi-li-xi về vấn đề Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a. Là thành viên của WTO, Gru-di-a có quyền phủ quyết mọi nỗ lực xin gia nhập WTO của bất cứ nước nào. Tuy nhiên, vấn đề này đã được giải quyết.

Theo giới phân tích, việc Nga-nền kinh tế lớn nhất thế giới còn nằm ngoài WTO, gia nhập tổ chức thương mại này có thể giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 11% trong dài hạn, đồng thời đưa Mát-xcơ-va hội nhập sâu vào hệ thống thương mại toàn cầu với hoạt động kinh doanh trở nên hiệu quả hơn và môi trường đầu tư được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, việc Nga gia nhập WTO là “một bước tiến lớn nhất” trong nỗ lực thương mại tự do toàn cầu, kể từ khi Trung Quốc gia nhập tổ chức này một thập kỷ trước và có thể giúp mở rộng nền kinh tế thế giới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế của nhiều nước thành viên Khối đồng tiền chung ơ-rô thuộc Liên hiệp châu Âu bị “đắm chìm” trong cuộc khủng hoảng nợ công và tài chính.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com