Hy Lạp và I-ta-li-a thay đổi lãnh đạo - Hy vọng lật ngược tình thế

07:11, 17/11/2011

Với việc đưa hai nhà kinh tế Lu-cát Pa-pa-đê-mốt (Lucas Papademos) và Ma-ri-ô Môn-ti (Mario Monti) lên làm Thủ tướng Hy Lạp và I-ta-li-a, hai quốc gia này đang hy vọng sẽ “lật ngược tình thế” kinh tế đất nước vốn đang rất ảm đạm hiện nay.

Luồng sinh khí mới

Ngày 14-11, Tổng thống I-ta-li-a G. Na-pô-li-ta-nô (Giorgio Napolitano) đã chỉ định Thượng nghị sĩ Môn-ti, 68 tuổi, làm Thủ tướng tạm quyền của nước này. Nhà kinh tế tự do xuất sắc 68 tuổi này tuyên bố, I-ta-li-a với tư cách là một trong những nước sáng lập Liên minh châu Âu (EU) phải trở thành “trụ cột sức mạnh, chứ không phải mắt xích yếu trong EU”. Trước đó, ở Hy Lạp, người thay thế Thủ tướng G. Pa-pan-đrêu (George Papandreou) là cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Lu-cát Pa-pa-đê-mốt.

Ông Môn-ti cam kết sẽ tìm cách đưa I-ta-li-a thoát khỏi khủng hoảng trong 18 tháng tới. Ảnh: Tân Hoa xã
Ông Môn-ti cam kết sẽ tìm cách đưa I-ta-li-a thoát khỏi khủng hoảng trong 18 tháng tới. Ảnh: Tân Hoa xã

Việc ông Pa-pa-đê-mốt lẫn ông Môn-ti xuất thân từ lĩnh vực kinh tế chính là lý do khiến họ được chọn làm nhà lãnh đạo chèo lái “con thuyền” Hy Lạp và I-ta-li-a đang chìm đắm trong cuộc khủng hoảng nợ công. Cả hai nhà lãnh đạo này từng được EU chỉ định nhiệm vụ phải cố gắng khôi phục nền kinh tế bằng cắt giảm, tăng thuế hay tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ để không tạo ra một lỗ hổng quá sâu kéo kinh tế cả khu vực chìm theo. EU hy vọng, hai chuyên gia kinh tế sẽ tạo ra “luồng sinh khí mới” cho Hy Lạp và I-ta-li-a nói riêng và châu Âu nói chung với các chính sách thận trọng, phù hợp với từng quốc gia, tập trung vào các gói cắt giảm, cứu trợ và tránh tối đa các động thái có thể khiến sự bất bình trong xã hội lên đến cao trào.

Chạy đua với thời gian

Hiện nay, chính phủ mới ở Hy Lạp đang “chạy đua với thời gian” nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng có nguy cơ dẫn đến vỡ nợ của nước này. Việc thuyết phục các đối tác châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) giải ngân các khoản vay tiếp theo trị giá 8 tỷ ơ-rô trong gói cứu trợ thứ nhất cũng là ưu tiên hàng đầu của nội các mới ở Hy Lạp bởi, nếu không nhận được các khoản vay này trong tháng 11 để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, A-ten sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, thậm chí phá sản.

Để cứu Hy Lạp nhanh chóng qua khỏi khủng hoảng, theo Thủ tướng Pa-pa-đê-mốt, Hy Lạp trước hết phải "thanh lọc" và cơ cấu lại nền kinh tế để tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tài chính và kinh tế từ các nước thành viên khác trong EU và IMF. Thứ hai, nước này cần áp dụng chương trình điều chỉnh kinh tế mới nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách Nhà nước theo cách thức nhanh và hiệu quả hơn, song song với việc khôi phục và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kế hoạch là vậy, nhưng việc thực hiện không mấy dễ dàng do lãnh đạo đảng Dân chủ mới, một chính đảng trong liên minh cầm quyền, tuyên bố phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới và một loạt chính sách theo yêu cầu của các nước cho vay cần phải thay đổi. Ông An-tô-ni Xa-ma-rát (Antonis Samaras), Chủ tịch đảng Dân chủ mới nhấn mạnh, sẽ không ký bất cứ văn bản nào có nội dung cam kết thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Trong khi đó, Thủ tướng I-ta-li-a Môn-ti đang xây dựng một “chiến lược cứu nguy” nền kinh tế để Quốc hội sớm xem xét, thông qua. Theo báo chí I-ta-li-a và châu Âu, với cuộc tổng tuyển cử kế tiếp diễn ra vào đầu năm 2013, Chính phủ  mới của ông Môn-ti có khoảng 18 tháng để thông qua các biện pháp cải cách nhằm cắt giảm nợ công và thúc đẩy tăng trưởng và điều này cần có sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội. Dự đoán, gói thắt lưng buộc bụng sẽ tiết kiệm cho I-ta-li-a khoảng 59,8 tỷ ơ-rô từ việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm cân bằng ngân sách của đất nước này vào năm 2014.

Ông Môn-ti khẳng định, “sẽ không có máu và nước mắt, nhưng có thể sẽ có nhiều sự hy sinh hơn". Theo ông Môn-ti, chính phủ sẽ mời đại diện các chính đảng tham gia chính phủ lâm thời với hy vọng sớm chấm dứt bầu không khí chính trị căng thẳng ở Rô-ma. Tuy nhiên, ông Môn-ti khẳng định, vẫn còn quá sớm để nói về chủ trương cắt giảm ngân sách, ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch "khắc khổ" được chính phủ tiền nhiệm thông qua trong năm nay.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com