G-20 thành lập quỹ cứu trợ khẩn cấp

09:11, 06/11/2011

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Can ( Pháp), các nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ phối hợp hành động với những trọng tâm cụ thể nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong bối cảnh những bất ổn về kinh tế hiện đang làm gia tăng thách thức trên toàn cầu.

Để có thể thực thi được ý tưởng tốt đẹp trên, Thông cáo chung sau hội nghị nêu rõ, G-20 tái khẳng định cam kết cùng hợp tác và đưa ra các quyết định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo sự ổn định về tài chính, tăng cường sự liên kết xã hội.

 Lãnh đạo G-20 tại hội nghị ở Pháp. Ảnh: Xinhuanet
Lãnh đạo G-20 tại hội nghị ở Pháp. Ảnh: Xinhuanet

Thông cáo nhấn mạnh, các nước G-20 lựa chọn các biện pháp khác nhau để thực hiện những ưu tiên cụ thể của mình. Về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm, lãnh đạo G-20 đã thông qua quyết định thành lập nhóm công tác về hỗ trợ việc làm và kế hoạch hành động hỗ trợ các thị trường trái phiếu quốc gia. Các nhà lãnh đạo G-20 cũng đạt đồng thuận về khả năng tăng nguồn vốn dự trữ cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để thực hiện vai trò vốn có của mình trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng có hệ thống, mà trước mắt là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Các nhà lãnh đạo G-20 cũng cam kết ủng hộ đề xuất của IMF thành lập quỹ duy nhất nhằm đáp ứng nhu cầu cứu trợ khẩn cấp đối với các nước thành viên gặp khó khăn.

Lãnh đạo G-20 cũng khẳng định sẽ không để tái diễn cách ứng xử về vấn đề tài chính như đã xảy ra thời kỳ trước khi diễn ra khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính, đồng thời sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết liên quan tới các ngân hàng, thị trường ngoài sàn và vấn đề bồi thường. Các nhà lãnh đạo G-20 nhất trí các nhà điều phối thị trường cần được trao quyền can thiệp thích hợp để ngăn chặn các hoạt động lạm dụng trên thị trường, đồng thời khẳng định gia tăng sản lượng nông nghiệp là yếu tố chính để nuôi sống dân số thế giới.

Theo các nhà quan sát, Hội nghị thượng đỉnh lần này của G-20 đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp lan sang các nền kinh tế lớn hơn, hội nghị nhất trí trao cho IMF trách nhiệm mới là phối hợp với Ủy ban châu Âu (ECB) giám sát I-ta-li-a thực hiện các chương trình cải cách kinh tế của nước này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng khác chưa thể giải quyết trong hai ngày hội nghị diễn ra. Bóng ma khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn chưa có lối thoát cụ thể. Lãnh đạo nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc đã phát biểu mạnh mẽ kêu gọi châu Âu cần có những hành động quyết liệt hơn nữa để đưa mọi thứ vào trật tự. "Chính châu Âu phải giải quyết chuyện nợ nần của mình trước tiên”, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói. Trong khi đó, những chủ đề còn lại, như tham vọng thành lập Nhóm làm việc về việc làm cho Thanh niên, cải cách các quy định tài chính liên quan đến thuế, hỗ trợ châu Phi chống đói nghèo…. đều bị lướt qua một cách mờ nhạt.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com