Cộng đồng người Việt ở Canada: Luôn giữ vững những nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống dân tộc

03:11, 10/11/2011

Ở Canada, cộng đồng người Việt được xem là cộng đồng di dân mới nhất, nhưng lại khá đông đảo (hiện có gần 250 nghìn người), xếp thứ 5 trong số các cộng đồng không phải gốc người châu Âu, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Jamaica. Hiện tại, khoảng 96% người gốc Việt sống tập trung ở 4 tỉnh bang Ontario, Québec, British Columbia và Alberta. Trong đó, Ontario là tỉnh bang có đông người Việt nhất, chiếm 46,3 % tổng số người gốc Việt ở Canada.

Người gốc Việt ở Canada. Ảnh: Internet
Người gốc Việt ở Canada. Ảnh: Internet

Tại Canada thì Montréal là nơi định cư đầu tiên của người Việt, quy tụ nhiều lớp trí thức của cộng đồng người Việt. Tuy nhiên - như đã nói - nơi tập trung đông đảo người Việt nhất tại quốc gia này phải kể đến Toronto (thủ phủ của bang Ontario), nơi có hàng trăm cơ sở thương mại, nhà hàng, quán ăn, siêu thị, văn phòng dịch vụ, tiệm kim hoàn.. rất sầm uất sẵn sàng tranh đua với các cơ sở của người Hoa. Mặc dù vậy, người Việt chủ yếu làm việc trong các hãng xưởng chế tạo vật phẩm (fabrication). So với tỉ lệ 8% người Canada làm việc trong lĩnh vực này, thì trung bình cứ 4 người Việt (27%) có một người làm việc trong các hãng xưởng. Bên cạnh đó, người gốc Việt còn buôn bán lẻ và mở nhà hàng, tiệm ăn.

Phần lớn kiều bào đều cho rằng mức sống của cộng đồng người Việt ở Canada cũng tương đương như bên Mỹ, song lại có phần ổn định hơn. Riêng lớp người trẻ tuổi (thế hệ thứ 3, thứ 4) đã và đang bắt đầu hòa nhập hoàn toàn vào xã hội Canada hiện đại. Cũng ở Canada, nhiều năm qua các tổ chức hội đoàn của người Việt lần lượt được thành lập như Liên hội người Việt tại Canada (thành lập năm 1980), Trung tâm người Việt tại Canada (thành lập năm 1987), chưa kể các Hội người Việt địa phương như ở Toronto, Vancouver, Québec... Các hoạt động của những Hội người Việt cũng khá đa dạng: đào tạo các khóa học về vi tính cho người già, dạy thi lái xe, thi quốc tịch, dạy các kỹ năng đầu tư, dạy văn hóa cho các cháu học chưa tốt, dạy học các nhạc cụ dân tộc Việt Nam... tới việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí và tham gia cùng các cộng đồng khác trong các lễ hội do thành phố tổ chức, phổ biến các thông tin về chính sách pháp luật nước sở tại, về cuộc sống của người Việt bốn phương. Nói chung, người Việt có đặc tính đáng quý là dễ gần gũi, dễ nói chuyện và luôn có ý thức đùm bọc nhau, nên việc tổ chức các hội đoàn người Việt như vậy xem ra rất có ý nghĩa và khiến mọi người giảm bớt cảm giác nhớ nhà. Vào cuối tháng, nhiều nơi còn tổ chức các buổi thảo luận về cuộc sống và kinh nghiệm sống tại Canada, nêu ra những tình huống cụ thể để mọi người thảo luận phương hướng giải quyết. Chẳng hạn như, những câu chuyện kể về cảm giác của các cháu sinh ra và lớn lên tại Canada khi đi học với toàn người da trắng, chuyện vướng mắc khi sinh hoạt với người cộng đồng dân tộc khác, những điều nên làm và nên tránh... Tất cả những kinh nghiệm quý báu của những người đi trước cũng như các giải pháp đều rất thực tế, có ý nghĩa cho người Việt hòa nhập và phát triển nhanh hơn tại nước sở tại.

Bà Đinh Kim Nguyệt - Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn Văn hóa Truyền thống đa sắc tộc thành phố Whitehorse (tiểu bang Yukon) tâm sự: Chúng tôi thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như Tết Trung thu, Lễ Quốc khánh, Tết Nguyên đán... Dù đây là hoạt động nhằm truyền bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam với người dân tiểu bang Yukon nói riêng, bạn bè quốc tế nói chung, nhưng từ sự nỗ lực vận động của chúng tôi, kinh phí tổ chức được trích từ ngân sách quốc gia Canada và Quỹ Culture Quest của Territory Yukon cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Sứ quán Việt Nam tại Canada, chứ không quyên góp từ kiều bào mình. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn luôn mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ cho in thêm nhiều bộ sách, sản xuất nhiều đĩa phim dạy tiếng Việt bằng song ngữ để thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra ở nước ngoài cũng như người nước ngoài thuận lợi trong việc phát triển khả năng tiếng Việt. Đặc biệt nên xuất bản các sách lịch sử chính thống của chúng ta bằng nhiều thứ ngôn ngữ để bạn bè thế giới có thêm phương tiện tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và có thể đưa vào các thư viện công cộng của Canada nhằm phục vụ cho những người muốn đọc, muốn biết, muốn tìm hiểu về Việt Nam./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com