Lại có thêm hàng chục người chết và bị thương trong các vụ đụng độ giữa quân đội chính phủ và những người chống đối ở một số tỉnh miền Nam của Xy-ri. Trong khi đó, lần đầu tiên lãnh đạo một nước trong Liên đoàn A-rập, Quốc vương Gioóc-đa-ni Áp-đu-la (Abdullah) II đã chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Xy-ri B.An Át-xát (Bashar al-Assad) rằng, ông nên từ chức vì lợi ích quốc gia.
Người dân Xy-ri biểu tình tại Đa-mát phản đối việc AL đình chỉ tư cách thành viên của Xy-ri. Ảnh: AP |
Trước đó, Liên đoàn A-rập (AL) đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Xy-ri, cho đến khi Tổng thống Át-xát thực hiện thỏa thuận với AL về lộ trình chấm dứt cuộc khủng hoảng đã bước sang tháng thứ 8 ở Xy-ri. Để bày tỏ thái độ “dứt khoát” của khối này với Xy-ri, Tổng Thư ký AL N. An A-ra-bi (N. al-Arabi) còn tuyên bố, tổ chức này sẽ cử phái đoàn 500 thành viên tới Xy-ri để bảo vệ dân thường. Tuy nhiên, ông A-ra-bi cũng cho biết, trước khi kế hoạch này được thực thi, AL sẽ đưa ra một thỏa thuận với Chính phủ Xy-ri.
Quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Xy-ri mà AL đưa ra đang gây ra dư luận trái chiều trên thế giới. Quyết định của AL cho dù không đề nghị sử dụng vũ lực (như lập một vùng cấm bay), nhưng động thái trên của AL sẽ là bước khởi đầu thuận lợi giúp các cường quốc phương Tây có thêm lý lẽ để yêu cầu Liên hợp quốc ra một nghị quyết cứng rắn đối với chính phủ cầm quyền ở nước này. Từ nhận định trên, các nhà phân tích phương Tây cho rằng, quyết định của AL đang khiến chế độ của Tổng thống Át-xát thêm bị cô lập và có thể sẽ châm ngòi cho các cuộc đụng độ “hứa hẹn” sẽ khốc liệt hơn giữa phe đối lập với quân đội chính phủ trong thời gian tới đây.
Trái với quan điểm của phương Tây, Ngoại trưởng Nga X. La-vrốp (S. Lavrov) bày tỏ sự phản đối với quyết định của AL và cho rằng, quyết định trên cho thấy không có tác dụng chấm dứt tình trạng đổ máu tại Xy-ri. Ông X. La-vrốp nhấn mạnh, quyết định trên chỉ có lợi cho các nước phương Tây khi các nước này đang muốn kích động những người phản đối Tổng thống Át-xát nhằm loại bỏ ông. Tuy nhiên, Ngoại trưởng La-vrốp cũng bày tỏ mong muốn Xy-ri sẽ tiến hành các biện pháp cải cách theo sáng kiến của AL, trong đó có việc đối thoại với phe đối lập, để sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài gần 8 tháng qua.
Thể hiện lập trường cứng rắn của Xy-ri, Ngoại trưởng Xy-ri O. An Moa-lem (W.al-Moallem) tuyên bố, chính quyền nước này sẽ không lay chuyển ngay cả khi bị đình chỉ tư cách thành viên AL, đồng thời cảnh báo quyết định của AL là một "bước đi nguy hiểm". Ngoại trưởng Moa-lem khẳng định, bất chấp tình hình chính trị nước này diễn biến phức tạp, Đa-mát vẫn sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn và những âm mưu chống lại Xy-ri sẽ thất bại. Ngoại trưởng Moa-lem cũng khẳng định, chính phủ Xy-ri không lo sợ về khả năng can thiệp quân sự nước ngoài. “Sẽ không tái diễn kịch bản Li-bi tại Xy-ri”, ông Moa-lem nói. Ông cũng bày tỏ tin tưởng cuộc khủng hoảng tại Xy-ri đang đi tới hồi kết, đồng thời kêu gọi đối thoại với phe đối lập trong nước khi khẳng định sẽ tiến hành tái cơ cấu.
Theo: qdnd.vn