Tại Thủ đô Ri-i-át của A-rập Xê-út, ngày 23-11, Tổng thống Y-ê-men A.Xa-lê đã ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực theo sáng kiến của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Ðây là kết quả bước đầu trong nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài mười tháng qua ở quốc gia trên bán đảo A-rập này.
Tổng thống Y-ê-men A.Xa-lê họp bàn về thỏa thuận chuyển giao quyền lực. ( Ảnh: AFP) |
Tham gia lễ ký có Phó Tổng thống M.Ha-đi, lãnh đạo phe đối lập, Ðại sứ Mỹ và các nước vùng Vịnh. Kết quả này đạt được, sau khi đảng Ðại hội toàn dân (GPC) cầm quyền và liên minh đối lập ở Y-ê-men thỏa hiệp về đề xuất, cũng như cơ chế thực hiện sáng kiến của GCC. Theo đó, Tổng thống Xa-lê chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Ha-đi, đồng thời từ chức trong vòng 30 ngày sau khi ký thỏa thuận, để đổi lại quyền miễn truy tố. Như vậy, trên danh nghĩa, ông Xa-lê vẫn giữ cương vị Tổng thống Y-ê-men cho tới khi ông Ha-đi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc do phe đối lập lãnh đạo và tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày sau đó (dự kiến vào tháng 1-2012).
Sáng kiến của GCC được đưa ra tháng 4 vừa qua và được Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ ủng hộ. Cuối tháng 10, HÐBA thông qua một nghị quyết yêu cầu chấm dứt bạo lực và chuyển giao quyền lực ở Y-ê-men. Tuy nhiên, để có thỏa thuận trên, các bên ở Y-ê-men đã gặp không ít trở ngại. Tổng thống A.Xa-lê từng ba lần từ chối ký bản thỏa thuận vào phút chót, do sức ép mạnh mẽ từ chính các thành viên trong đảng cầm quyền.
Các cuộc biểu tình kéo dài mười tháng qua đòi Tổng thống Xa-lê chấm dứt 33 năm cầm quyền đã khiến tình hình Y-ê-men rơi vào bất ổn. Các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn làm hàng trăm người chết. Chính Tổng thống A.Xa-lê cũng bị thương trong một vụ tiến công hồi tháng 6, khiến ông phải sang A-rập Xê-út chữa trị. Bế tắc chính trị thổi bùng các cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ với các tay súng Hồi giáo và các nhóm ly khai, làm tình hình quốc gia Trung Ðông này ngày càng rối ren, đe dọa gây mất ổn định ở khu vực biên giới giáp A-rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Xung đột giữa các tay súng bộ lạc và lực lượng trung thành với Tổng thống Xa-lê đã phá hủy cả đường ống dẫn dầu chính, khiến cơ sở lọc dầu lớn nhất nước này ở TP miền nam A-đen phải đóng cửa và buộc Y-ê-men phải tìm cách nhập khẩu bổ sung nhiên liệu. Xung đột và bạo lực tiếp tục gia tăng có thể đẩy Y-ê-men vào cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trong khi đó, với địa hình núi non hiểm trở, Y-ê-men đã trở thành "căn cứ" để An Kê-đa mở rộng địa bàn. Cuộc khủng hoảng kéo dài ở Y-ê-men đã biến nước này thành mảnh đất màu mỡ để các phần tử khủng bố thuộc nhánh An Kê-đa ở bán đảo A-rập (AQAP) "đục nước béo cò". Việc chính phủ của Tổng thống Xa-lê mất quyền kiểm soát đối với một số tỉnh ở khu vực miền nam đã "tạo điều kiện" để các tay súng Hồi giáo gia tăng hoạt động. Là quốc gia nghèo trên bán đảo A-rập với khoảng 25 triệu dân, nhưng Y-ê-men có vị trí địa chính trị quan trọng. Y-ê-men nằm gần các giếng dầu lớn ở khu vực vùng Vịnh và nằm trên tuyến đường hàng hải chính ở Biển Ðỏ và Biển A-rập. Bất ổn chính trị ở Y-ê-men sẽ tác động tới an ninh toàn khu vực.
Trong bối cảnh diễn biến tình hình ở Xy-ri, I-ran và Ai Cập đang ngày càng "nóng", việc các phe phái ở Y-ê-men đạt được một thỏa thuận hòa giải không những tránh cho nước này rơi vào một cuộc nội chiến "nồi da nấu thịt", mà còn góp phần làm dịu căng thẳng ở khu vực Trung Ðông vốn diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, thỏa thuận chuyển giao quyền lực này chỉ là bước đầu trên con đường dài tiến tới ổn định tình hình ở Y-ê-men. Ðể thỏa thuận trở thành hiện thực, đòi hỏi các phe phái ở Y-ê-men phải tôn trọng những điều đã cam kết.
Theo: nhandan.com.vn