EU tìm cách gỡ nợ trong bất đồng

07:10, 25/10/2011

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hôm 23-10 nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công kết thúc mà không có kết quả nào đáng kể. Hy vọng được đặt ở Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo dự kiến tổ chức vào ngày 26-10 tới nhưng xem ra cũng khó khăn bởi những bất đồng.

Từ trái qua: Thủ tướng Đức Méc-ken, Thủ tướng Anh Ca-mê-rôn và Tổng thống Pháp Xác-cô-di tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 23-10. Ảnh: AP
Từ trái qua: Thủ tướng Đức Méc-ken, Thủ tướng Anh Ca-mê-rôn và Tổng thống Pháp Xác-cô-di tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 23-10. Ảnh: AP

Trong bối cảnh căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo EU đã lên tới đỉnh điểm tại hội nghị xung quanh việc làm thế nào để cứu khu vực đồng ơ-rô, giữa hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp đã nảy sinh “to tiếng”. Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) bị “dội gáo nước lạnh” khi Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicholas Sarkozy) nói ông nên “ngậm miệng” trong suốt hội nghị. Dường như ông Xác-cô-di đã trút cả sự tức giận lên Thủ tướng Anh khi nói rằng: “Chúng tôi phát ốm với việc ngài chỉ trích chúng tôi và nói chúng tôi phải làm những gì”. Các giới chức EU tham dự hội nghị tiết lộ, ông Xác-cô-di đã mất kiên nhẫn với những lời đe dọa của ông Ca-mê-rôn rằng Anh sẽ rút khỏi EU. Ông Xác-cô-di đã lớn tiếng: “Ngài nói ngài ghét đồng ơ-rô, ngài không muốn tham gia và bây giờ lại muốn can thiệp vào các hội nghị của chúng tôi”. Đã vậy việc ông Ca-mê-rôn kêu gọi các nước khu vực đồng ơ-rô “gánh vác trách nhiệm” càng khiến ông Xác-cô-di nổi giận. Dự kiến ngày 27-10 tới, Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc “Xứ sở sương mù” có nên tiếp tục làm thành viên của EU hay không.

Tại hội nghị, nhà lãnh đạo Pháp đã đấu tranh quyết liệt để ngăn ông Ca-mê-rôn bàn về kế hoạch bơm 100 tỷ ơ-rô vào các ngân hàng. Ông Ca-mê-rôn ủng hộ các giải pháp thúc đẩy các ngân hàng và quỹ cứu trợ nhằm tiến tới một liên minh tài chính chặt chẽ hơn để đẩy lui cuộc khủng hoảng nợ công mà châu Âu đang phải gánh chịu và kéo theo đó là nền kinh tế toàn cầu bị đe dọa.

Ông Ca-mê-rôn luôn lo ngại các cuộc họp của 17 nước khu vực đồng ơ-rô sẽ bị biến thành “cuộc họp kín” với vai trò nổi bật của Pháp và Đức. Và như vậy sẽ tạo ra nguy cơ nền kinh tế Anh sẽ bị tổn hại do sẽ có các quy định được áp đặt theo hướng có lợi cho Pháp và Đức hơn là cho Anh. Và trên thực tế, những bất đồng giữa Pháp và Đức về việc làm thế nào để tăng sức mạnh của quỹ cứu trợ 440 tỷ ơ-rô đang bị suy giảm của khu vực đồng ơ-rô, đã được giải quyết tại hội nghị hôm 23-10 theo các điều kiện của Đức. Và hai nước đã có một cử chỉ mang tính biểu tượng là tổ chức họp báo chung giữa Tổng thống Xác-cô-di và Thủ tướng Đức Méc-ken nhân hội nghị này.

Ông Ca-mê-rôn đã tuyên bố sẽ giành lại quyền lực trong EU trong bối cảnh đang chịu sức ép trong nước đòi trưng cầu dân ý về việc Anh có nên tiếp tục ở lại EU. Thủ tướng Anh yêu cầu quyền kiểm soát lớn hơn đối với các quy định về việc làm và xã hội để đổi lấy sự ủng hộ của Anh cho một hiệp ước mới của châu Âu.

Nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng nợ công tái diễn, EU cam kết sẵn sàng thay đổi các hiệp ước của tổ chức này, tạo điều kiện pháp lý để khu vực đồng ơ-rô hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn, đồng thời siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước vi phạm các quy định của EU.

Trong bối cảnh tồn tại những bất đồng như vậy, hội nghị thượng đỉnh tiếp theo để cứu EU thoát khỏi nợ công sẽ diễn ra vào ngày 26-10, chỉ cách hội nghị trước có 3 ngày. Việc tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh liền nhau như vậy là điều hiếm gặp ở EU. Nó cho thấy sự thiếu tin tưởng của chính liên minh này vào khả năng hợp tác chống khủng hoảng giữa các thành viên. Thủ tướng Đức Méc-ken cũng phải thừa nhận rằng dù có quyết định nào được đưa ra thì vẫn chưa phải là bước cuối cùng để thoát khỏi nợ nần. Bà nói: “Chúng tôi đang đấu tranh cho những vấn đề có nguồn gốc một phần từ những thập kỷ trước. Chúng tôi chưa thể đưa ra bước đi cuối cùng vào ngày 26-10 tới”.

Tại hội nghị ngày 26-10 tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ cố gắng thống nhất về gói giải pháp cứu nguy, bao gồm việc tăng nguồn vốn cho các ngân hàng châu Âu. Mục đích quan trọng được đặt ra đó là không chỉ nhằm cứu nguy, mà còn làm sao phải tăng cường sức mạnh của các quy định tài chính ở khu vực đồng ơ-rô để bảo đảm các cuộc khủng hoảng nợ nần tương tự không bao giờ tái diễn trong tương lai.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com